Người tiêu dùng đang gồng gánh kinh tế toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nền kinh tế thế giới ngày càng có nhiều dấu hiệu dựa vào lĩnh vực dịch vụ để tạo động lực, trong bối cảnh các nhà máy từ Nhật Bản tới Mỹ buộc phải giảm tốc độ của dây chuyền sản xuất và chật vật tìm kiếm đơn hàng mới.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo Chỉ số sản xuất (PMI) tháng 6 được nhiều nước công bố, hoạt động sản xuất tại nhiều nền kinh tế lớn đang suy giảm mạnh. PMI của Mỹ chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay, trong khi hoạt động sản xuất ở khu vực đồng Euro (Eurozone) trong tháng 6 giảm nhiều hơn dự đoán của các nhà kinh tế, xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm.

Với việc người tiêu dùng chuyển trọng tâm sang dịch vụ, hàng hóa của nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng tồn kho dư thừa. Các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương của châu Âu đã khiến khiến chi phí huy động vốn tăng vọt.

Tin tức này đã khiến cổ phiếu trượt giá và trái phiếu chính phủ tăng vọt trên khắp các thị trường toàn cầu, sau đợt tăng giá đáng chú ý của cổ phiếu do sự hưng phấn đối với ngành công nghiệp AI đang bùng nổ. Với việc các ngân hàng trung ương vẫn báo hiệu rằng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất để dập tắt lạm phát, lợi suất ngắn hạn giảm ít hơn so với lợi suất dài hạn - một tín hiệu điển hình của suy thoái cổ điển.

Hôm 22/6, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhận định rằng rủi ro suy thoái ở Mỹ đã giảm. "Tôi nghĩ xác suất xảy ra suy thoái kinh tế đã giảm xuống. Hãy nhìn vào sự bền bỉ của thị trường lao động và xu hướng hạ nhiệt của lạm phát mà xem. Tôi sẽ không nói rằng suy thoái không phải một rủi ro của chúng ta, bởi Fed vẫn đang thắt chặt chính sách", bà Janet Yellen cho biết.

Nhận định của bà Yellen cũng phù hợp với nhận định của nhiều nhà kinh tế học. Một cuộc khảo sát của Bloomberg được công bố hôm 23/6 cho thấy sự đồng thuận hiện nay là Mỹ sẽ tránh được suy thoái kinh tế trong năm nay, mặc dù lạm phát cơ bản sẽ nhanh hơn so với dự báo trước đây.

"Chúng tôi vẫn dự báo mức tăng trưởng khá trong năm nay là 2,8% trên toàn cầu, 3% trong năm tới. Tuy nhiên, chúng tôi thấy sự tăng trưởng mong manh. Chúng ta cần phải thận trọng về nguy cơ suy thoái", Neil Brown, người đứng đầu bộ phận cổ phiếu tại GIB Asset Management cho biết.

Chỉ số PMI sản xuất của Mỹ theo ước tính của S&P Global đã giảm xuống 46,3 trong tháng 6, thấp hơn nhiều so với mốc 50 biểu thị ranh giới giữa mở rộng và thu hẹp.

Chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc được công bố vào ngày 29/6 tới cũng được dự báo sẽ cho thấy sự sụt giảm, trong khi Chỉ số tâm lý kinh doanh LFO của Đức được dự đoán sẽ giảm. Đây là những bằng chứng về sự trì trệ trong sản xuất toàn cầu.

"Số lượng đơn đặt hàng mới ngày càng giảm nghiêm trọng đồng nghĩa với việc các nhà máy sắp hết việc làm. Vấn đề còn lại là tăng trưởng của ngành dịch vụ có thể phục hồi như thế nào khi đối mặt với sự suy giảm sản xuất và tác động có độ trễ của các đợt tăng lãi suất trước đây", Chris Williamson - Nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence nhận xét.

Đối với các ngân hàng trung ương, điều này càng làm phức tạp thêm công việc quyết định tăng lãi suất thêm bao nhiêu nữa.

Tin cùng chuyên mục