Bị cáo Khanh bị đề nghị mức án từ 14 -16 năm tù. |
Cùng bị xét xử về tội danh trên còn có bị cáo Nguyễn Huy Hùng (sinh năm 1968, nguyên giám đốc chi nhánh ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (sinh năm 1970, nguyên cán bộ cấp dưới của bị cáo Hùng).
Mở đầu phiên tòa, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Dương phát biểu quan điểm về vụ án và đề nghị mức án đối với từng bị cáo. Căn cứ vào hồ sơ vụ án, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Dương cho rằng có đủ căn cứ xác định cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan sai.
Năm 2005 – 2008, bà Hồ Thị Hiệp, giám đốc công ty TNHH Xuất khẩu Thương mại An Tây (công ty An Tây) vay của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Tây Sài Gòn 72 tỉ đồng. Tài sản thế chấp khi vay gồm 20 ha đất, nhà xưởng, định giá tài sản vào khoảng 80 tỉ đồng.
Đến năm 2008, công ty An Tây không có khả năng trả nợ nên phía ngân hàng đưa vào danh mục nợ xấu, sau đó phải bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Thời điểm này, bị cáo Hùng và bị cáo Lộc đã giao tài sản thế chấp lại cho bà Hồ Thị Hiệp tự bán, người mua là ông Nguyễn Hồng Khanh (nguyên Bí thư thị xã Bến Cát) và thành viên gia đình. Khi giao tài sản đảm bảo cho bà Hiệp để bán thì Hùng và Lộc không có văn bản thỏa thuận với bà Hiệp về việc bán tài sản.
Bị cáo Lộc bị Viện Kiểm sát cho là quanh co chối tội.
Theo kết luận định giá, toàn bộ diện tích đất thời điểm chuyển nhượng có giá trị gần 46 tỉ đồng. Ngân hàng thu hồi được hơn 10 tỉ đồng, Khanh thanh toán cho bà Hiệp số tiền 4,3 tỉ đồng và giá trị thiệt hại ngân hàng trong thu hồi nợ là gần 36 tỉ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Hùng, Lộc còn lỏng lẻo trong quản lý tài sản thế chấp để sót diện tích 1.689m2 đất trị giá 748 triệu đồng của bà Nguyễn Hiệp Hảo (con gái bà Hiệp) thế chấp cho BIDV Tây Sài Gòn để cho Khanh quản lý, sử dụng.
Tại phiên tòa, bị cáo Hùng khai năm 215, bà Hiệp tới ngân hàng đề nghị được bán tài sản đang thế chấp tại ngân hàng để có tiền trả nợ, đồng thời, bà Hiệp đề nghị giữ lại một phần tài sản để tái sản xuất. Hùng thừa nhận muốn nhanh chóng thu hồi nợ của bà Hiệp nên đã đồng ý cho bà Hiệp bán tài sản.
Bị cáo Lộc không thừa nhận hành vi phạm tội, việc xử lý nợ được tiến hành đúng quy định, ngân hàng không bị thiệt hại.
Bị cáo Khanh khai chỉ mua, thỏa thuận với bà Hiệp. Cơ quan điều tra thu giữ hợp đồng 3 bên tại nhà bị cáo là nhằm mục đích xác định ngân hàng đồng ý cho bà Hiệp bán tài sản thế chấp. Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng lời khai của các bị cáo không có cơ sở chấp nhận. Theo Viện Kiểm sát, việc giao dịch mua bán giữa bị cáo khanh và bà Hiệp diễn ra trong nhiều năm, các bị cáo chia nhỏ thửa đất, bán từng đợt, không phát mãi tài sản theo quy định.
Theo Viện Kiểm sát, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, phạm tội với lỗi cố ý, gây thất thoát tài sản của Nhà nước với số tiền hơn 36 tỉ đồng. Trong vụ án này, bị cáo Hùng là người chủ mưu, có vai trò chủ chốt với vai trò là giám đốc ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn, bị cáo Hùng đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi xử lý nợ của bà Hiệp trái với quy định gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Tại phiên tòa, bị cáo quanh co chối tội nhưng kết thúc phần xét hỏi thì bị cáo nhận tội, vì vậy, đề nghị HĐXX xem xét tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo, có nhân thân tốt.
Bị cáo Hùng bị đề nghị mức án từ 15 - 17 năm tù.
Bị cáo Khanh phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức, trong quá trình công tác bị cáo có nhiều đóng góp cho xã hội, có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng. Vì vậy, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt đối với bị cáo Khanh.
Từ những nhận định trên, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Quang Lộc mức án từ 15 – 17 năm tù, bị cáo Nguyễn Hồng Khanh mức án từ 14 – 16 năm tù.
Phiên tòa bắt đầu tranh luận.