Ông Nguyễn Xuân Sơn được dẫn giải tới tòa |
Trong phần thẩm vấn và xét hỏi chiều 19-3 vụ cố ý làm trái, gây thất thoát 800 tỉ đồng tại Tập đoàn Dầu khí (PVN), TAND TP Hà Nội tiếp tục xét hỏi bị cáo Ninh Văn Quỳnh - nguyên kế toán trưởng PVN về việc nhận 20 tỉ đồng và việc góp vốn 800 tỉ thì PVN nhận được bao nhiêu tiền cổ tức.
Người đưa nói 180 tỉ, người nhận nói 20 tỉ
Xác nhận với HĐXX về việc đã nhận 20 tỉ đồng từ đại diện ngân hàng OceanBank, bị cáo Ninh Văn Quỳnh cho biết nhận số tiền này từ Nguyễn Xuân Thắng - nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN đưa làm 2 lần (tháng 4-2012 và khoảng tháng 6 đến tháng 8-2012).
Cả 2 lần đều do Quỳnh gặp Thắng tại phòng làm việc của Nguyễn Xuân Sơn - nguyên tổng giám đốc PVN.
Sau khi nhận 20 tỉ, Quỳnh đã dùng để mua nhà, mua xe và gửi vào tiết kiệm, chi phí sinh hoạt cho con đi học nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi Quỳnh bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi này, gia đình Quỳnh đã khắc phục hết số tiền đó.
Hội đồng xét xử (HĐXX) cũng xét hỏi đổi với Nguyễn Xuân Sơn về mục đích đưa số tiền đó cho Ninh Văn Quỳnh, Sơn nói số tiền này là để chăm sóc khách hàng và đưa cho các lãnh đạo PVN.
Theo lời khai của Nguyễn Xuân Sơn, tổng số tiền mà Sơn đưa cho Quỳnh là 180 tỉ đồng. Tuy nhiên, các lần đưa tiền của Sơn đều không có bằng chứng, không có người chứng kiến.
Trả lời tại tòa, Sơn khẳng định, việc khai đưa cho Sơn 180 tỉ không phải để chối bỏ trách nhiệm của mình mà để HĐXX làm sáng tỏ vụ án.
Trước đó, khi bị xét hỏi đối với tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tòa hỏi Ninh Văn Quỳnh về việc tại PVN có những ai gửi tiền vào OceanBank, Quỳnh trả lời nhiều thành viên của Hội đồng thành viên PVN đều gửi tiền ở ngân hàng này.
Sau góp vốn, cổ đông được chia cổ tức!
Đó là xác nhận của đại diện PVN đối với câu hỏi của hội đồng xét xử về số tiền được hưởng lợi sau góp vốn.
Theo đại diện PVN, sau khi góp vốn vào các năm từ 2011 đến 2013, PVN đều nhận được tiền cổ tức với tổng cộng lên tới 224 tỉ đồng. Đại diện PVN nói rằng đây là số tiền hợp pháp nên PVN đã hòa chung vào nguồn vốn của tập đoàn và sử dụng.
Ông Đinh La Thăng trả lời thẩm vấn của HĐXX
Đến khi góp vốn lần thứ 3 với số tiền 100 tỉ đồng, ông Thăng không ký nghị quyết Hội đồng quản trị mà ủy quyền cho bị cáo Nguyễn Xuân Thắng ký.
Sau khi ủy quyền, ông Thăng không đọc báo cáo của ông Thắng mà do bận nhiều việc và chuyển nơi công tác nên không biết việc góp vốn này.
"Nghị quyết của Hội đồng quản trị vào tháng 5-2011, và nếu theo dự toán khái vốn năm 2011 thì OceanBank không có tiền để góp thêm 100 tỉ nữa. Khi đó bị cáo không biết việc góp vốn 100 tỉ, nếu biết đã cho dừng lại" - ông Thăng nói.
Tuy nhiên, tòa cho mời 2 nhân chứng là thư ký của Hội đồng thành viên và thư ký của Chủ tịch Hội đồng quản trị thì 2 người này xác nhận đã chuyển báo cáo của nghị quyết cho ông Thăng đọc sau khi đã ban hành.
Tòa cũng hỏi ông Thăng là đến nay PVN đã lấy lại 800 tỉ chưa? Ông Thăng nói lúc đó chuyển công tác nhưng theo thông tin bị cáo nắm, từ năm 2011 đến 2012 và 2013 thì OceanBank đều làm ăn có lãi. Và đến năm 2015 thì ngân hàng bị mua với giá 0 đồng.
Phiên tòa vẫn đang trong quá trình thẩm vấn.