Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn T&T |
Năm 2021, do đại dịch Covid-19 lan rộng, nhiều dự án điện gió của Tập đoàn gặp không ít khó khăn do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Mặc dù rất cố gắng, nhưng một số dự án của T&T mới chỉ vận hành thương mại (COD) được một phần để kịp hưởng cơ chế giá ưu đãi theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg. Phần còn lại đang trong tình trạng chờ xem xét hướng dẫn thực hiện với cơ chế đề xuất mới - cơ chế chuyển tiếp.
Đến thời điểm này, cơ chế mới đối với các dự án điện tái tạo, trong đó có cả dự án điện mặt trời (sau ngày 1/1/2021) và điện gió (sau ngày 31/10/2021) vẫn chưa được ban hành.
Do đó, một số dự án của Tập đoàn T&T phải đối mặt với những thách thức về tài chính khi đã hoàn thành thi công xây dựng, nhưng chưa được ghi nhận sản lượng và doanh thu, dẫn tới thiếu nguồn thu để trả nợ tới hạn cho các tổ chức tài chính. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới nhà đầu tư mà còn gây hệ lụy tới các nhà thầu và nhà tài trợ tài chính cho dự án.
Trong khi đó, báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình cung ứng điện năm 2022 công bố gần đây cho thấy, nguy cơ thiếu hụt nguồn điện đang hiện hữu. Tôi cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư điện tái tạo, Chính phủ cần sớm có chính sách chuyển tiếp để huy động các dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng vào vận hành, đáp ứng nhu cầu năng lượng phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.