Nhà đầu tư Carlsberg muốn nắm giữ 51% cổ phần của Habeco, nhưng đang gặp khó khăn trong vấn đề về quyền ưu tiên mua trước. Ảnh: Ngọc Kỳ |
Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại DNNN CPH vẫn rất khiêm tốn.
Chậm trễ
Ông Tony Foster cho biết, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đang gặp trở ngại khi muốn tham gia mua cổ phần của các DN thoái vốn. Đơn cử, kế hoạch CPH của Mobifone được đưa ra từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ tiến triển nào. Năm 2012, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) đưa ra thông tin bán tối đa 25% cổ phần ra công chúng, trong đó bao gồm 20% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, song thực tế đến nay vẫn trì hoãn. Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3) cũng dự kiến chuyển nhượng vốn nhà nước cho nhà đầu tư chiến lược, nhưng đến thời điểm này việc CPH DN này vẫn bị trì hoãn…
Hoạt động thoái vốn tại các DNNN lớn, giàu tiềm năng khác như: Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng đang gặp một số vấn đề. Đến nay, phương thức bán 54% cổ phần tại Habeco chưa được công bố; trong khi đó, dù Carlsberg là nhà đầu tư quan tâm đến cổ phần của DN này, nhưng cũng gặp khó khăn trong các vấn đề về quyền ưu tiên mua trước.
Chia sẻ thêm về khó khăn trong việc bán cổ phần của Habeco, đại diện DN này cho biết, khó khăn lớn nhất là đàm phán thoái vốn với Carlsberg, trong đó có quyền ưu tiên mua. Thêm vào đó, theo lộ trình thoái vốn sâu của DN, hiện Carlsberg mong muốn nắm giữ 51% cổ phần của Habeco, nhưng lại bị vướng quy định liên quan đến tổ hợp ngành nghề khi có nhiều thành viên liên quan đến rượu, thực phẩm…
Cần bán lô lớn
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Cải cách và Phát triển DN thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, có hai nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư nước ngoài hạn chế mua cổ phần tại DNNN CPH. Một là do ảnh hưởng của thị trường tác động đến sức mua của nhà đầu tư, hai là cơ chế chính sách đối với CPH.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra rằng, do tỷ lệ vốn nhà nước được bán rất hạn chế, “may mắn” cũng chỉ là 49%, do đó, khi mua cổ phần, nhà đầu tư bị hạn chế quyền tham gia điều hành. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư tư nhân, trong đó có các nhà đầu tư ngoại ít mặn mà với việc mua DNNN.
Đồng tình với ý kiến của ông Thiên, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội nhận xét, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài còn kém hấp dẫn.
Một số nhà đầu tư cũng bày tỏ quan ngại với yêu cầu về định giá DN. Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, việc xác định giá trị tài sản vô hình (thương hiệu, nhân lực, lợi thế kinh doanh) trong quá trình CPH DNNN còn chưa phù hợp, chưa rõ ràng.
Để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư ngoại nghiêm túc và dài hạn, ông Tony Foster nhấn mạnh, chính sách cần phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được mua cổ phần chi phối trong các DN. Điều này sẽ gia tăng sức hấp dẫn của cổ phần và mang lại nguồn thu cao hơn cho Chính phủ từ việc thoái vốn tại DNNN. Ông Tony Foster kiến nghị các cơ quan Chính phủ xem xét sửa đổi quy định pháp luật để cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 49% cổ phần trong các DN CPH hay thoái vốn nhà nước. Ngoài ra, cần cải thiện các yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn trong việc thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư như: tiến trình CPH rõ ràng và minh bạch; khả năng tiếp cận thông tin đúng và đầy đủ; khả năng tham gia điều hành; quyền lợi của nhà đầu tư chiến lược.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khuyến nghị, cần nâng cao hiệu quả và chất lượng CPH, thoái vốn nhà nước trong DN; các cơ quan bộ, ngành và các DNNN cần thường xuyên trao đổi thông tin, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của các nhà đầu tư, học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước để tìm hiểu nguyên nhân và tìm ra các giải pháp để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.