Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1: Chú trọng bảo vệ môi trường

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Với mục tiêu an toàn lao động - môi trường - chất lượng, bên cạnh đảm bảo vận hành liên tục Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đạt hiệu quả, chủ đầu tư Nhà máy đã đầu tư và vận hành đồng bộ các công trình bảo vệ môi trường của Dự án.

Công trình silo chứa tro bay
Công trình silo chứa tro bay

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đặt trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (Công ty BOT) là nhà đầu tư triển khai xây dựng dự án theo mô hình BOT. Sau giai đoạn vận hành 25 năm, Dự án sẽ được bàn giao cho Chính phủ Việt Nam.

Theo ông Phan Ngọc Cẩm Thành - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường của Dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xác nhận hoàn thành tại Giấy xác nhận số 65/GXN-BTNMT ngày 14/6/2019. Ngoài ra, Dự án đã được Bộ TN&MT cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước biển số 3798/GP-BTNMT ngày 17/12/2018, Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 2909/GP-BTNMT ngày 13/11/2019. Việc quản lý vận hành hệ thống bảo vệ môi trường của Dự án theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015 đã được Tập đoàn SGS cấp cho nhà thầu đang trực tiếp vận hành, bảo trì toàn bộ Nhà máy.

Hệ thống khử lưu huỳnh bằng nước biển

Hệ thống khử lưu huỳnh bằng nước biển

Chia sẻ cụ thể hơn về quy trình xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn, ông Ma Benfeng, đại diện Nhà thầu vận hành Nhà máy cho biết, khói phát sinh từ quá trình đốt nguyên liệu được xử lý qua các công trình xử lý bao gồm: khử khí NOx (hệ thống SCR) -> lọc bụi tĩnh điện (hệ thống ESP) -> khử lưu huỳnh bằng nước biển (hệ thống SW-FGD). Hàm lượng các thông số khí thải sau xử lý phát thải thấp hơn nhiều lần so với QCVN 22:2009/BTNMT (kp = 0,7, kv = 1) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện.

Nước làm mát phục vụ vận hành được xử lý bởi hệ thống bể sục khí trước khi xả vào kênh xả nước làm mát dùng chung của ba Nhà máy Nhiệt điện: Vĩnh Tân 1, 2 và 3. Nước làm mát sau xử lý tại Nhà máy có chất lượng tương ứng với chất lượng nước đầu vào, đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.

Các loại nước thải khác phát sinh trong quá trình vận hành Nhà máy bao gồm: nước thải công nghiệp, sinh hoạt, nhiễm dầu và nhiễm than được xử lý tại các hệ thống xử lý nước thải tương ứng. Nước thải sau xử lý đáp ứng QCVN40:2011/BTNMT (cột B, kq = 1, kf = 0,9) và được tái sử dụng toàn bộ trong phạm vi Dự án. “Như vậy, Nhà máy hoàn toàn không thải nước thải ra môi trường”, ông Ma Benfeng khẳng định.

Công tác quản lý chất thải rắn được tuân thủ theo các quy định hiện hành. Đặc biệt, việc xử lý tro, xỉ được chủ đầu tư rất chú trọng. Tro, xỉ được phân loại, lưu trữ trong các hệ thống silo tương ứng. Tại các silo này, phần tro, xỉ chưa được chuyển giao cho các đơn vị đủ điều kiện phân phối/xử lý, tái sử dụng sẽ được làm ẩm và sau đó vận chuyển bằng xe chuyên dụng đến công trình bãi xỉ Vĩnh Tân 1.

Băng tải kín vận chuyển than

Băng tải kín vận chuyển than

Công trình bãi xỉ Vĩnh Tân 1 (bãi xỉ VT1) với diện tích khoảng 59,5 hecta được xây dựng và Bộ TN&MT đã xác nhận hoàn thành đủ điều kiện để đưa vào chôn lấp tro, xỉ. Hiện tại, khối lượng tro, xỉ đã lưu chứa tại bãi xỉ VT1 khoảng 3,2 triệu tấn (chiếm khoảng 43% dung tích lưu chứa của bãi xỉ).

Công ty BOT đã xây dựng, triển khai Đề án Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ. Theo đó, đã đăng ký chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy cho các sản phẩm tro, xỉ; triển khai công tác chuyển giao tro, xỉ cho các đơn vị đủ điều kiện phân phối/xử lý, sử dụng theo những điều khoản đã thỏa thuận giữa các bên, không phát sinh sự cố môi trường, tai nạn giao thông và lao động. Từ cuối năm 2018 đến tháng 10/2020, khối lượng tro, xỉ đã được chuyển giao khoảng 345.000 tấn, chủ yếu làm phụ gia trong công nghiệp sản xuất xi măng, bê tông.

Để tránh ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân quanh khu vực, các biện pháp ngăn chặn phát tán bụi được thực hiện đầy đủ. Vận chuyển than từ bến cảng vào kho lưu chứa cho đến lò đốt bằng băng tải kín, tại các trạm chuyển tiếp lắp đặt các thiết bị hút bụi tĩnh điện kiểu ướt, tại phễu tiếp nhận than lắp các tấm chắn gió và hệ thống phun sương. Kho than được bao bởi các tường lưới sắt cao 16,9m và hàng rào cây xanh, bên trong có lắp đặt hệ thống phun nước dập bụi.

Trong 9 tháng năm 2020, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 phát sản lượng điện đạt 6,5 tỷ kWh, hoàn thành 75,6 % kế hoạch năm do Bộ Công Thương giao, đáp ứng khoảng 3,5% tổng nhu cầu điện của Việt Nam.

Công ty BOT đã thực hiện đóng góp khoảng 585 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách nhà nước tại tỉnh Bình Thuận, đạt 97% so với 603 tỷ tổng số thuế dự toán nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Công ty BOT.

Công ty BOT đang sử dụng hơn 500 lao động Việt Nam, trong đó khoảng 75% là con em địa phương tham gia vận hành Nhà máy và thường xuyên được đào tạo để trở thành các kỹ sư, cán bộ quản lý Nhà máy.

Khu vực silo tro bay được phun nước, vệ sinh thường xuyên và lắp đặt hệ thống phun sương tại các cửa silo tro bay. Tại bãi xỉ VT1, công tác chôn lấp tro, xỉ được vận hành theo đúng quy trình, chưa có bất kỳ sự cố phát tán bụi gây ảnh hưởng đến môi trường trong khu vực...

Về giám sát và công khai thông tin chất lượng môi trường, Công ty BOT đã lắp đặt 5 trạm quan trắc tự động khí thải sau xử lý, nước làm mát sau xử lý, nước thải công nghiệp sau xử lý. Hệ thống các trạm quan trắc tự động đã được Bộ TN&MT xác nhận hoàn thành, được kết nối truyền dữ liệu giám sát về Trung tâm Quan trắc TN&MT tỉnh Bình Thuận - Sở TN&MT.

Công ty BOT đã công khai thông tin chất lượng môi trường đối với thông số phát thải khí thải (bụi, SO2, NOx, CO) sau xử lý của Tổ máy số 1 và số 2 thông qua bảng điện tử đặt tại cổng Nhà máy và các thông số giám sát môi trường của các trạm giám sát khí thải, nước thải tại trụ sở UBND xã Vĩnh Tân.

Tin cùng chuyên mục