Đột phá khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Đề án Phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) đang được gấp rút hoàn thiện để chuẩn bị trình Bộ Chính trị ngay trong tháng này. Góp ý hoàn thiện Dự thảo Đề án, nhiều ý kiến nhấn mạnh, cải cách thể chế kinh tế tiếp tục phải là một trong những giải pháp trọng tâm, là đột phá chiến lược góp phần khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân.
Khu vực tư nhân đang ngày càng mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến... Ảnh: Lê Tiên
Khu vực tư nhân đang ngày càng mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến... Ảnh: Lê Tiên

“Điểm nghẽn” thể chế

Dù đóng góp ngày càng lớn, song nhiều ý kiến đánh giá, KTTN vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Nhiều hộ kinh tế cá thể vẫn theo nếp kinh doanh cũ, thiếu động lực phát triển thành DN, thậm chí “không muốn lớn”.

Một trong những “điểm nghẽn” cốt yếu ảnh hưởng đến việc khó lớn hoặc “không muốn lớn” của khu vực này được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” là do những bất cập của hệ thống thể chế và chính sách kinh tế và môi trường kinh doanh. Đó là, hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo, môi trường kinh doanh nhiều trở ngại, thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí và tiềm ẩn rủi ro.

Tổng Bí thư cho rằng, điều này không chỉ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTN, khiến tỷ trọng đóng góp của khu vực này trong GDP gần như không thay đổi trong hơn một thập kỷ qua, mà còn cản trở nền kinh tế nâng cao giá trị gia tăng, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, làm chậm tiến trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Với hơn 940.000 doanh nghiệp (DN), khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực KTTN hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội. Khu vực tư nhân ngày càng mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến…

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam nhìn nhận, thời gian qua, thể chế mở đường cho khu vực KTTN phát triển đã được Đảng và Nhà nước ban hành thông qua các nghị quyết, nhưng không theo kịp thực tế, nên sự phát triển khu vực kinh tế này gặp không ít khó khăn. Thủ tục hành chính dù có cải thiện, nhưng vẫn còn rườm rà, phức tạp. Trong hệ thống pháp luật vẫn có nhiều rủi ro về mặt pháp luật với DN kinh doanh. Nhiều quy định có sự chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn ảnh hưởng đến việc thực thi, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam bày tỏ, lâu nay quan niệm của các cơ quan quản lý trong giao đề tài/dự án cho khu vực tư nhân bị hạn chế hơn nhiều so với giao cho khu vực nhà nước. Từ quan niệm như vậy nên có hàng loạt quy định, thủ tục chưa giải phóng được nguồn lực từ khu vực tư nhân.

Tạo bước phát triển đột phá cho kinh tế tư nhân

Để KTTN thực sự là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của kinh tế đất nước trong bối cảnh mới, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh điều kiện tiên quyết là tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại, năng động và hội nhập; bảo vệ hữu hiệu quyền tài sản, quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh và bảo đảm thực thi hợp đồng của DN tư nhân…

Tiếp tục chỉ đạo vấn đề này, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ nhằm hoàn thiện Dự thảo Đề án Phát triển KTTN chuẩn bị trình Bộ Chính trị mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh định hướng trong xây dựng thể chế thúc đẩy khu vực KTTN, đó là thể chế phải thông thoáng, vượt qua tư duy thông thường, có tính đột phá, khả thi, hiệu quả. Các giải pháp phải tháo gỡ được các nút thắt, điểm nghẽn phát triển.

Ủng hộ quan điểm này, góp ý về giải pháp phát triển KTTN Việt Nam trong bối cảnh mới, ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội cho rằng, để khu vực tư nhân bứt phá thì tháo gỡ về thể chế vừa là nguồn lực cũng vừa là động lực cho phát triển. Vì vậy, cải cách thể chế tiếp tục là giải pháp trọng tâm trong các nhóm giải pháp phát triển khu vực này.

Ông Phan Đức Hiếu cho biết, thực tiễn ở nước ta cho thấy, chỉ cải cách mạnh mẽ, mang tính đột phá mới tạo ra cú hích, giúp thay đổi trạng thái vốn có.

Cải cách thể chế phải tập trung nâng cao chất lượng thể chế hiện hành; kiểm soát chất lượng quy định mới sẽ ban hành cùng với ưu đãi, hỗ trợ DN theo hướng nâng cao chất lượng quy định pháp luật, giảm gánh nặng thời gian và chi phí tuân thủ… và cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. “Thể chế có chất lượng phải giúp DN dễ dàng gia nhập và rút lui khỏi thị trường; gánh nặng thời gian và chi phí tuân thủ pháp luật phải ở mức thấp nhất”, ông Phan Đức Hiếu bày tỏ.

Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần thu hẹp danh mục ngành nghề cấm, hạn chế đầu tư kinh doanh, cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, thực thi nguyên tắc DN được làm những gì pháp luật không cấm và chưa quy định…

Ông Nguyễn Quốc Hiệp nhấn mạnh, nếu có cơ chế, chính sách hợp lý và tăng cường niềm tin, DN tư nhân, các nhà thầu trong nước hoàn toàn có thể tham gia vào những việc khó, việc lớn, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh. “Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ có cơ chế phân chia gói thầu, chỉ định thầu phù hợp nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu trong nước tham gia thực hiện phần hạ tầng dự án đường sắt tốc độ cao...”, ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục