![]() |
Công ty CP Tân Cảng - Đồng Văn Hà Nam sở hữu cảng cạn Tân Cảng Hà Nam. Ảnh: ICD |
Tân Cảng - Đồng Văn Hà Nam được thành lập tháng 7/2017, hiện có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Ngoài Tân Cảng Sài Gòn, 2 cổ đông khác của Công ty là Công ty CP Đầu tư Phát triển Thành Đạt sở hữu 39% vốn điều lệ và Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Nam Hà Nội nắm giữ 10%.
Tân Cảng - Đồng Văn Hà Nam là chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng ICD Tân Cảng Hà Nam nhằm mục đích kinh doanh hạ tầng, khai thác ICD, cung cấp dịch vụ logistics cho các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam và các vùng lân cận. Dự án được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng trên khu đất 30.767 m2 với quy mô 50.000 TEU/năm, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 9/2019. Tuy nhiên, sản lượng lũy kế đến cuối năm 2022 chỉ đạt khoảng 15.000 TEU, thấp hơn nhiều so với công suất thiết kế.
Theo báo cáo của Tân Cảng - Đồng Văn Hà Nam, sản lượng giai đoạn 1 chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics. Hoạt động kinh doanh và khai thác cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 gặp nhiều khó khăn với hệ số khai thác bãi rất thấp. Nguyên nhân là việc hợp tác với các hãng tàu để phát triển dịch vụ depot (bãi chứa container rỗng) gặp trở ngại do lượng hàng hóa trong khu vực còn hạn chế. Mặc dù Công ty đã được cấp phép mở cảng cạn và công nhận địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng, nhưng do doanh nghiệp được phép kiểm hóa tại nhà máy hoặc chân công trình, hàng hóa xuất nhập khẩu không nhất thiết phải vận chuyển tới cảng cạn để thông quan, khiến sản lượng container thực hiện thủ tục hải quan tại cảng không đạt như kỳ vọng.
Một khó khăn khác với Tân Cảng - Đồng Văn Hà Nam đến từ xu hướng các nhà đầu tư ưu tiên những thị trường có dư địa hàng hóa lớn như khu công nghiệp tại Hải Phòng (gắn liền với hệ sinh thái cảng biển, logistics) hoặc những nơi có hệ thống kết nối đa phương thức hoàn chỉnh như Bắc Ninh và Bắc Giang. Bên cạnh đó, hiệu quả khai thác kho hàng không đảm bảo. Theo tính toán của các đối tác tiềm năng (SEA Logistics Partners, Công ty CP Cảng Cát Lái...), mặt bằng giá thuê kho tại Khu công nghiệp Đồng Văn III (60.000 - 70.000 đồng/m2) thấp hơn nhiều so với điểm hòa vốn ước tính (110.000 đồng/m2).
Theo dự kiến, giai đoạn 2 của Dự án với quy mô 100.000 TEU/năm được đầu tư gần 99 tỷ đồng và khai thác sử dụng trong năm 2024. Tuy nhiên, một lãnh đạo Công ty CP Tân Cảng - Đồng Văn Hà Nam cho biết, do đang trong quá trình chuẩn bị chuyển nhượng vốn, Công ty đã tạm dừng tất cả các hoạt động đầu tư. Với 4,1 tỷ đồng đã đầu tư cho giai đoạn 2, thực chất mới chỉ xây dựng được khu nhà văn phòng. Các hạng mục quan trọng khác như bãi chứa hàng, bãi container và các phân khu chức năng theo kế hoạch đầu tư ban đầu đều chưa được triển khai. Vị lãnh đạo này cũng chia sẻ: “Hoạt động kinh doanh của Công ty trong thời gian tới có khởi sắc hay không phụ thuộc vào chiến lược đầu tư phát triển của chủ sở hữu mới và quy mô thị trường mà họ nhắm đến”.
Về kết quả kinh doanh, doanh thu bình quân hàng năm của Tân Cảng - Đồng Văn Hà Nam trong giai đoạn 2022 - 2024 chỉ đạt 2 tỷ đồng. Công ty liên tục ghi nhận lỗ: 5,3 tỷ đồng năm 2022; 3,7 tỷ đồng năm 2023; và dự kiến lỗ 4 tỷ đồng năm 2024. Lỗ lũy kế của Công ty đến cuối năm 2024 ước tính là 54,5 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của Tân Cảng - Đồng Văn Hà Nam đạt 113,5 tỷ đồng. Tại thời điểm 1/1/2024, nợ ngắn hạn của Công ty vượt tài sản ngắn hạn là 62,2 tỷ đồng, và con số này tăng lên 62,799 tỷ đồng vào ngày 31/12/2024.
Những điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu, dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty CP Tân Cảng - Đồng Văn Hà Nam.