Nhà phố, biệt thự kỳ vọng vào sự bứt phá mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phân khúc nhà phố, biệt thự được dự báo hồi phục tích cực và có sự tăng trưởng tốt so với năm 2020. Ngoài Hà Nội và TP.HCM, thị trường các tỉnh lân cận ở hai “đầu tàu” kinh tế nói trên hứa hẹn nhiều diễn biến sôi động không kém.
Các dự án mới với sản phẩm chủ đạo là nhà phố, biệt thự sẽ tập trung ở khu vực ngoại thành và những vùng giáp ranh Hà Nội và TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên
Các dự án mới với sản phẩm chủ đạo là nhà phố, biệt thự sẽ tập trung ở khu vực ngoại thành và những vùng giáp ranh Hà Nội và TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên

Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới chưa cao

Theo thống kê của DKRA Vietnam, bước vào tháng 1/2021, thị trường TP.HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận có 5 dự án mở bán, bao gồm 2 dự án mới và 3 dự án thuộc giai đoạn tiếp theo của dự án trước đó, cung cấp ra thị trường 763 căn nhà phố, biệt thự. Nguồn cung chủ yếu tập trung ở Đồng Nai và TP.HCM, còn những địa phương khác như Long An, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, không ghi nhận nguồn cung mới mở bán trong tháng 1.

Tại TP.HCM, nguồn cung thời gian qua tập trung chủ yếu ở khu Bắc và khu Đông. Trong đó, khu Bắc với 1 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 63 căn, chiếm 81% tổng nguồn cung mới, tỷ lệ tiêu thụ đạt 87%, với mức giá bán dao động từ 4,6 - 7,4 tỷ đồng/căn. Khu Đông cung cấp ra thị trường 15 căn đến từ 1 dự án, chiếm 19% tổng nguồn cung mới. Dự án có tình hình bán hàng chậm, tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 20% với mức giá bán khá cao, dao động từ 21,3 - 29,3 tỷ đồng/căn.

Trong tháng 1 và tháng 2/2021, việc nguồn cung và sức cầu giảm cũng dễ hiểu, khi đang trong giai đoạn Tết âm lịch và đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Tuy nhiên, tính chung cả quý I/2021, nhà phố biệt thự khu vực TP.HCM và các tỉnh giáp ranh tăng rất nhẹ so với quý trước. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt khoảng 33%, giảm gần 60% so với quý IV/2020. Nguồn cung mới chủ yếu tập trung ở Đồng Nai và TP.HCM. Trong đó, Đồng Nai tiếp tục dẫn đầu nguồn cung và lượng tiêu thụ toàn thị trường.

Xét về khái toán đầu tư, nếu mua được biệt thự, nhà phố liền kề ở vị trí đắc địa sẽ không lo mất giá, sinh lời đầu tư cao, trong khi các tài sản này vừa đầu tư vừa phục vụ nhu cầu an cư hoặc cho thuê. Tuy nhiên, người dân cũng đòi hỏi môi trường sống phải tốt hơn nên buộc doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm biệt thự, nhà phố phải đầu tư cho cảnh quan, tiện ích xung quanh như trường học, bệnh viện... mới có điều kiện bán hàng tốt.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu tư vấn Savills Hà Nội cho hay, mặc dù chứng kiến sự sụt giảm về nguồn cung trong những tháng đầu năm, nhưng biệt thự, nhà phố vẫn được ghi nhận là phân khúc có lượng hấp thụ tốt nhất của thị trường nhà liền thổ. Việc phát triển phân khúc này ở các khu vực ngoại thành và những vùng giáp ranh Hà Nội và TP.HCM sẽ giúp gia tăng nguồn cung và cho khách hàng thêm nhiều sự lựa chọn. Ở khu vực phía Bắc, các dự án mới sẽ nằm ở Đan Phượng, Đông Anh, Chương Mỹ, Hoà Lạc. Còn ở phía Nam, các chủ đầu tư tiếp tục hướng đến phát triển các sản phẩm nhà phố, biệt thự ở khu vực Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước…

Kỳ vọng một bức tranh tươi sáng

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, nhu cầu về sản phẩm biệt thự, nhà phố liền kề, shophouse sẽ tiếp tục tăng cao. Bởi lẽ, xã hội xuất hiện thêm nhiều người giàu, kéo theo nhu cầu sở hữu nhà ở hiện đại, sang trọng ngày càng tăng. Nhờ lực đẩy này, các chủ đầu tư cũng tự tin hơn trong việc đầu tư vào những sản phẩm với giá thành xứng tầm.

Vượt qua những khó khăn cơ bản do đại dịch Covid-19, các chuyên gia bất động sản dự báo, phân khúc này sẽ sôi động trở lại khi nhiều dự án biệt thự, nhà phố liền kề mở bán trong thời gian tới. Xét về khái toán đầu tư, nếu mua được biệt thự, nhà phố liền kề ở vị trí đắc địa sẽ không lo mất giá, sinh lời đầu tư cao, trong khi các tài sản này vừa đầu tư vừa phục vụ nhu cầu an cư hoặc cho thuê. Tuy nhiên, người dân cũng đòi hỏi môi trường sống phải tốt hơn nên buộc doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm biệt thự, nhà phố phải đầu tư cho cảnh quan, tiện ích xung quanh như trường học, bệnh viện... mới có điều kiện bán hàng tốt.

So với cách đây 5 năm, giá trung bình của biệt thự, nhà phố tại thị trường Hà Nội và TP.HCM đã tăng gấp đôi, thậm chí còn cao hơn. Nguồn cung bị hạn chế cũng là một trong những lý do dẫn đến việc tăng giá nói trên. Cho nên, việc phát triển dự án tại khu vực ngoại thành là một nhu cầu tất yếu. Với tốc độ tăng trưởng dân số đô thị trung bình 2,3% mỗi năm, thị trường biệt thự, nhà phố ở Hà Nội hứa hẹn rất nhiều triển vọng. Tại TP.HCM, nguồn cung đến năm 2023 dự kiến 12.700 căn/nền với 91% là biệt thự, nhà phố. Các dự án quy mô lớn được đầu tư bởi Khang Điền và Vingroup tại hai huyện Bình Chánh, Củ Chi và quận Bình Tân sẽ cung cấp 47% nguồn cung tương lai toàn thị trường. Khu Tây sẽ vươn lên dẫn đầu thị phần nguồn cung tương lai, trong khi khu Đông chiếm khoảng 39%.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu CBRE Hà Nội cho rằng, phân khúc nhà phố tương đối khó kiếm khách so với phân khúc biệt thự. Nếu nhà phố tọa lạc ở vị trí phù hợp thì khả năng khai thác, kinh doanh sẽ tốt hơn. Do đó, sản phẩm này chỉ có thể thành công khi nằm trong một quần thể dự án, một đại đô thị. Tất nhiên, nhà đầu tư muốn rót tiền vào loại hình này cần phải có sự hiểu biết, đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh các rủi ro đến từ bên ngoài. Nhìn chung, năm 2021, chúng ta có thể hy vọng vào một bức tranh tươi sáng hơn cho thị trường bất động sản, nhất là phân khúc biệt thự, nhà phố.

Tin cùng chuyên mục