Ảnh Internet |
Bảo hiểm đang ở đâu?
Thông tin với Báo Đấu thầu sau hơn 2 ngày xảy ra sự cố công trình trên công trường Thủy điện Sông Bung 2, ông Ngô Việt Hải cho biết: “Dự án Thủy điện Sông Bung 2 có mua bảo hiểm công trình ngay từ đầu theo quy định của pháp luật. Công ty CP Bảo hiểm Toàn cầu (GIC) là nhà thầu thực hiện”. Khi phóng viên đề cập về giá trị gói thầu bảo hiểm, ông Hải cho biết: “Hiện tôi đang ở công trường xảy ra sự cố thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn nên chưa thể thông tin cụ thể ngay được”. Theo ông Hải, ngay sau sự cố xảy ra, Chủ đầu tư đã có thông báo tới đơn vị thực hiện bảo hiểm công trình, nhưng đến nay (chiều ngày 15/9), nhà thầu bảo hiểm vẫn chưa có mặt. Ông Hải bình luận thêm, “ông” bảo hiểm lúc chào đón bán bảo hiểm rất là niềm nở, đon đả, nhưng khi có sự cố xảy ra yêu cầu có mặt ngay thì đâu phải dễ…
Liên quan đến bảo hiểm công trình, ông Vương Thành Chung, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sông Bung 2 cho biết: “Gói thầu bảo hiểm công trình Thủy điện Sông Bung 2 do GIC liên danh với Công ty Bảo hiểm Bảo Việt và Tổng công ty Bảo hiểm Hàng không bảo hiểm, trong đó GIC là nhà thầu chính”. Vị đại diện Ban này cũng xác nhận: “Đến nay, Ban đã có thông báo về sự cố công trình trên công trường Thủy điện Sông Bung 2 với đơn vị bảo hiểm công trình”.
Nước rút mới xác định được nguyên nhân sự cố
Thông tin thêm về tình hình khắc phục sự cố công trình, ông Vương Thành Chung cho biết, đến ngày 15/9, công tác khắc phục sự cố vẫn đang được Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sông Bung 2 cùng các đơn vị liên quan tích cực triển khai. “Hiện chúng tôi vẫn đang tập trung tìm kiếm cứu nạn hai công nhân bị mất tích do sự cố; chờ nước rút để triển khai các thủ tục đánh giá, xác định nguyên nhân sự cố công trình. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thực hiện kiểm tra, xác minh để triển khai hỗ trợ đền bù cho người dân nếu có ảnh hưởng”.
Theo một số nguồn tin, Dự án Thủy điện Sông Bung 2 sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước. Dự án Thủy điện Sông Bung 2 có vốn đầu tư là 5.200 tỷ đồng, khởi công xây dựng từ năm 2012. Dự án có vốn đầu tư ban đầu là 3.661 tỷ đồng, nhưng trong quá trình thi công đã đội thêm 1.600 tỷ đồng do tăng chi phí về thiết bị, chi phí đền bù và giải phóng mặt bằng... Không chỉ đội vốn khủng, dự án này còn chậm tiến độ so với kế hoạch khoảng 1 năm.