Nhà thầu đang xanh hóa

(BĐT) - Khuynh hướng tiêu dùng đang hướng vào các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường như một nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều nhà thầu là các đơn vị sản xuất hàng hóa cung ứng cho các công trình/dự án đang có sự chuyển mình và bước đầu gặt hái được thành công.
Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã đầu tư xây dựng lò thủy tinh không chì dùng trong sản xuất bóng đèn compact chất lượng cao. Ảnh: Lê Tiên
Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã đầu tư xây dựng lò thủy tinh không chì dùng trong sản xuất bóng đèn compact chất lượng cao. Ảnh: Lê Tiên

Chuyển hướng sang sản xuất xanh

Cuối năm 2017, Dự án “Thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất sản phẩm xanh thông qua mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái - SPPEL” kết thúc. Trong Hội thảo tổng kết dự án này, Công ty TNHH Hóa chất quốc tế Kretop là một trong ba nhà thầu vinh dự được trao chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp đối với dòng sản phẩm: Sơn Epoxy, tăng cứng sàn bê tông, chống thấm và sơn nhũ tương.

Bà Trương Hoàng Thủy, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hóa chất quốc tế Kretop không giấu được niềm vui: “Chứng nhận này không chỉ đơn giản là giải thưởng ghi nhận những nỗ lực của doanh nghiệp (DN) trong việc sản xuất sản phẩm bền vững, mà còn mở ra cơ hội kinh doanh rất lớn cho nhà thầu tại các dự án mua sắm”.

Kể về hành trình “xanh hóa” sản phẩm sơn, bà Thủy chia sẻ, Kretop là đơn vị chuyên cung cấp vật liệu bảo vệ bê tông đầu tiên được chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam, sau quá trình đánh giá nghiêm ngặt dựa trên các tiêu chí lựa chọn chặt chẽ trong toàn bộ chu trình luân chuyển (vòng đời) của sản phẩm.

Theo đuổi con đường này từ năm 2015, đến năm 2016 - 2017, Kretop đã thắng nhiều gói thầu mua sắm sử dụng ngân sách nhà nước với tỷ lệ 80% tổng số gói thầu/dự án mà DN này tham gia. Tiến tới thành công là cả một chặng đường gian nan bởi lẽ DN phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đầu tiên là khó khăn trong định hướng sản xuất sản phẩm theo tiêu chí xanh khi áp lực giá thành sản phẩm xanh cao hơn so với các sản phẩm thông thường. Nhiều khi giá thành sản phẩm cao nên chưa được người tiêu dùng đánh giá một cách đúng mức cũng như ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, với những nỗ lực của mình, đến nay, nhiều sản phẩm của Kretop đã được tin tưởng sử dụng cho các công trình.

Chung niềm vui này, Công ty CP Bóng đèn Điện Quang cũng vinh dự được trao chứng nhận. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cho biết, lần này, sản phẩm LED của Điện Quang tiếp tục được chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam. Trước đó, nhiều sản phẩm bóng đèn huỳnh quang của DN này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp chứng nhận này.

Ông Hưng chia sẻ, Điện Quang thực hiện sản xuất sản phẩm xanh từ rất sớm. Năm 2000, Điện Quang xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, cam kết cung cấp cho người dùng các sản phẩm chất lượng, với các tiêu chí rõ ràng là: An toàn - Tiết kiệm - Thân thiện môi trường. Đến nay, các sản phẩm của Điện Quang đã được các tổ chức/cơ quan chức năng uy tín trong và ngoài nước thẩm định và công nhận về chất lượng theo những tiêu chí đã công bố.

Nỗ lực cho chiến lược xanh hóa sản phẩm cung cấp đến người tiêu dùng, ngay từ năm 2008, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã đầu tư xây dựng lò thủy tinh không chì với công suất 19 tấn/ngày nhằm tạo ra vật liệu thủy tinh không chì dùng trong sản xuất bóng đèn compact chất lượng cao và sản xuất loa trụ thay thế các loại thủy tinh chì độc hại. Năm 2009, các chuyên gia tại phòng thí nghiệm chung của DN đã phát triển công nghệ tách và thu hồi tái sử dụng bột huỳnh quang 3 phổ đất hiếm ra khỏi thủy tinh ở đèn bị hỏng, thu hồi ống thủy tinh đưa trở lại sản xuất. Riêng công trình này hàng năm đã tiết kiệm cho Công ty hàng chục tỷ đồng, góp phần bảo vệ môi trường.

Trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, nếu như trước đây, chúng ta chỉ có loại gạch đất nung, thì hiện nay có thêm gạch không nung hay còn gọi là gạch block bê tông. Việc sử dụng gạch không nung đang mang lại rất nhiều lợi ích cho con người, dần trở thành nguyên liệu chính trong ngành xây dựng tại các nước phát triển. 

Ngóng cơ chế

Với chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam vừa đạt được, năm 2018, Kretop ấp ủ dự định 100% gói thầu/dự án của mình sẽ sử dụng sản phẩm xanh để đem đến sự an toàn, thân thiện cho người sử dụng.

Mong muốn là vậy, nhưng bà Thủy không khỏi lo lắng: “Hiện nhiều người tiêu dùng không nắm được thông tin về các sản phẩm được dán nhãn sinh thái, cũng như chưa nắm bắt hết được sự ưu việt của các sản phẩm được dán Nhãn xanh nên việc sử dụng các sản phẩm được dán Nhãn xanh còn chưa nhiều”. Thêm vào đó, trong chính sách, pháp luật về đấu thầu hiện hành chưa có một quy định nào đối với chủ đầu tư/bên mời thầu phải mua sản phẩm xanh ở những gói thầu/dự án mua sắm công.

Ông Hưng chỉ rõ, theo Nghị định số 04/2009/NĐ-CP của Chính phủ, các DN có sản phẩm đủ điều kiện để dán Nhãn xanh được hưởng những ưu đãi như: Ưu tiên phục vụ mua sắm công, miễn thuế xuất khẩu, ưu đãi thuế thu nhập DN, hỗ trợ giá, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, việc sử dụng các sản phẩm sinh thái trong mua sắm công không cao do tiêu chí Nhãn xanh trong đấu thầu không phải bắt buộc, nhà thầu lựa chọn sản phẩm ưu tiên dựa trên giá cả và mẫu mã, tính năng.

Về chất lượng sản phẩm xanh, các nhà khoa học đánh giá, nhiều sản phẩm của DN Việt Nam có chất lượng rất tốt, hoàn toàn đáp ứng tiêu chí xanh trong cả vòng đời sản phẩm, từ nguyên liệu đầu vào tới sau sử dụng.

Trước áp lực của phát triển kinh tế đi đôi với phát triển xã hội cũng như bảo vệ môi trường ngày càng lớn, DN cần hướng đến sản xuất xanh như là một nhu cầu tất yếu của sự phát triển bền vững. Sự phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi tăng trưởng đi đôi với bền vững về môi trường và hòa nhập xã hội.

Từ khía cạnh ấy, bà Thủy cho rằng, nên có một cơ chế nào đó đối với các sản phẩm có Nhãn xanh để sản phẩm vào được nhiều hơn trong các dự án, gói thầu  mua sắm công. Về giải pháp cho vấn đề này, bà Thủy đề xuất: “Để đem lại lợi thế cho sản phẩm xanh, pháp luật về đấu thầu nên có thêm quy định ưu đãi, hỗ trợ cho DN có Nhãn xanh. Hình thức khuyến khích này sẽ giúp nhiều DN đã hoặc chưa có được chứng nhận này có thêm động lực hướng đến sản xuất xanh nhiều hơn”.

Ông Hưng nhấn mạnh 3 giải pháp đưa sản phẩm xanh vào các công trình mua sắm công nhiều hơn nữa. Đầu tiên là đối với những sản phẩm đã được cấp chứng nhận Nhãn xanh, cần có quy định trong đầu tư mua sắm công coi đây là tiêu chí bắt buộc để chọn trúng thầu công trình. Tiếp theo là tuyên truyền để người dân hiểu thêm về sản phẩm nhãn sinh thái. Từ đó thay đổi nhận thức của DN cũng như người dân về việc gắn Nhãn xanh cũng như sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm xanh có ảnh hưởng tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Và khi sản xuất và tiêu dùng xanh trở thành một nhu cầu tất yếu, đích đến của con đường phát triển nhanh và bền vững mà Việt Nam lựa chọn sẽ gần hơn, đặc biệt sẽ không còn ai ở lại phía sau.

Tin cùng chuyên mục