Nhà thầu gặp khó vì bị kéo dài thời gian thương thảo hợp đồng, chậm ứng vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện nay, các nhà thầu xây lắp đang gặp rất nhiều khó khăn. Không ít lãnh đạo doanh nghiệp, nhà thầu đang rất đau đầu, xoay xở bằng cách tham gia đấu thầu nhằm kiếm đủ việc làm, bảo đảm duy trì đời sống để giữ chân lao động. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều chủ đầu tư tìm cách kéo dài thời gian thương thảo hợp đồng, không theo một quy tắc nào.

Ông Phạm Ngọc Ninh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh

Cụ thể, một số gói thầu được quy định rất rõ khi mời thầu là chủ đầu tư sẽ tạm ứng 30% sau 15 ngày kể từ ngày ký hợp đồng. Tuy nhiên, khi nhà thầu được mời đến thương thảo hợp đồng, chủ đầu tư lại viện cớ “bận việc đột xuất”, thậm chí còn giao cho nhân viên thông báo rằng: “Hiện nay chúng tôi không có tiền để tạm ứng nên không thể ký biên bản thương thảo hợp đồng”.

Ở một trường hợp khác, hai bên đã thương thảo hợp đồng thành công, nhưng sau cả trăm ngày, chủ đầu tư vẫn chưa có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, công bố trúng thầu, không mời nhà thầu đến ký hợp đồng. Nhà thầu đi tìm hiểu mới vỡ lẽ là do đại diện chủ đầu tư - Chủ tịch UBND xã đang được điều chuyển công tác, nên không ai ký duyệt…

Đó là chưa kể có những gói thầu đã ký hợp đồng thực hiện trong 18 tháng, nhưng vì chủ đầu tư chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, mà nhà thầu phải thực hiện tới 4 năm, mặc dù nhà thầu có đủ năng lực và luôn sẵn sàng đẩy nhanh tiến độ thi công.

Từ bước thương thảo cho tới thi công, mỗi khâu chậm một chút khiến cho nhà thầu xây lắp điêu đứng, khó khăn đủ đường. Việc thi công bị đình đốn, máy móc, nhân sự phải nằm chờ, trong khi nhà thầu vẫn phải trả tiền công, tiền thuê thiết bị… Bảo lãnh dự thầu của ngân hàng là có thời hạn, hết hạn sẽ không còn giá trị bảo lãnh, muốn gia hạn thì nhà thầu phải mất thêm chi phí.

Tin cùng chuyên mục