Nhiều nhà thầu Việt đã vươn lên ngang tầm khu vực và quốc tế. Ảnh: Lê Tiên |
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về quá trình phát triển của đội ngũ nhà thầu xây dựng Việt Nam trong thời gian gần đây?
Các nhà thầu Việt Nam đang có những bước phát triển với nhiều điểm sáng. Họ có những tiến bộ vượt bậc so với nhiều năm trước, một số nhà thầu yếu kém thì càng yếu kém nhưng những nhà thầu tìm được định hướng phát triển, cập nhật và phù hợp với thị trường, nâng cao năng lực thì lại phát triển tốt.
Những doanh nghiệp như Coteccons, Hòa Bình, Delta… là ví dụ điển hình khi các nhà thầu này đã vươn lên ngang tầm khu vực và quốc tế. Cụ thể, Coteccons đã có thể cạnh tranh với các nhà thầu quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc trong đấu thầu và đã thắng thầu tại công trình Landmark 81 tầng ở TP.HCM. Hòa Bình, Delta là những nhà thầu có nhiều kinh nghiệm và uy tín ở những gói thầu về hầm.
Qua quan sát cho thấy, họ thắng thầu không phải nhờ yếu tố giá dự thầu thấp như xu thế của quy định, thông lệ hiện hành. Các nhà thầu này thường trúng những gói thầu có giá chào thầu tăng lên 10% so với đơn giá quy định của Nhà nước vì họ chọn định hướng phát triển dựa trên uy tín và năng lực.
Nhiều nhà thầu có thể lớn mạnh được nhờ nắm bắt được mong muốn bảo đảm chất lượng công trình, tiến độ dự án của chủ đầu tư và họ tập trung phát triển doanh nghiệp theo định hướng này. Những nhà thầu không bắt kịp được sẽ có xu hướng sáp nhập với nhau thành các tập đoàn hoặc chỉ làm nhà thầu phụ.
Những nhà thầu lớn mạnh trong thời gian qua chủ yếu xuất thân từ các doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, đội ngũ nhà thầu xây dựng có nguồn gốc nhà nước lại khá èo uột, thậm chí có những đơn vị không còn thương hiệu nữa. LICOGI từng là một nhà thầu mạnh, với uy tín xây dựng hạ tầng của nhiều dự án. Nhưng khi tiến hành cổ phần hóa thì gần như mất thương hiệu trong lĩnh vực xây dựng. Một số nhà thầu xây dựng khác thì không phát triển được hoặc có những bước phát triển đi xuống, yếu kém đi nhiều so với một vài năm trước. Có những doanh nghiệp sản lượng chỉ đạt 50 - 60% so với thời điểm đỉnh cao trước đây.
Điều này đặt ra bài toán phải giải quyết trong vấn đề cổ phần hóa các nhà thầu xây dựng nhà nước. Để nâng cao năng lực, duy trì và đẩy mạnh thương hiệu của nhà thầu thì trong quá trình cổ phần hóa, cần lựa chọn nhà đầu tư cùng chuyên môn, cùng chí hướng, định hướng phát triển với giá trị cốt lõi của lĩnh vực, nghề nghiệp của nhà thầu.
Đối với cơ chế chính sách và quản lý hoạt động xây dựng, đấu thầu thì tình trạng chỉ định thầu tràn lan là vấn đề khiến nhà thầu rất bức xúc. Luật Đấu thầu năm 2013 có rất nhiều đổi mới, chặt chẽ hơn nhưng vẫn chưa thể khắc phục triệt để và chưa có chế tài xử lý tình trạng chỉ định thầu tràn lan.
Vấn đề thứ hai là nhà thầu không tiếp cận được hồ sơ dự thầu và hồ sơ yêu cầu. Trước đây, có thể có những yếu tố khách quan khiến cho nhà thầu không mua hồ sơ được (như người bán hồ sơ bận họp, đi vắng, đi công tác...). Nhưng bây giờ, những lý do ấy dường như là để bào chữa cho sự cố tình của bên mời thầu.
Thứ ba là câu chuyện về nợ đọng xây dựng cơ bản. Nếu theo số liệu tính toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của Luật Đầu tư công không quá nhiều, nhưng nợ đọng xây dựng cơ bản thực chất lại gấp nhiều lần con số đó.
Thực tế, trong nhiều quy định pháp lý hiện hành, chế tài trói buộc nhà thầu được đưa ra quá nhiều, chưa cân xứng với nghĩa vụ của chủ đầu tư/bên mời thầu trong quá trình đấu thầu, thực hiện hợp đồng.
Ông kiến nghị những giải pháp nào để nhà thầu xây dựng Việt ngày càng lớn mạnh?
Đối với vấn đề chỉ định thầu tràn lan, không bán hồ sơ mời thầu thì các quy định của luật và văn bản hướng dẫn hiện vẫn còn yếu trong chế tài xử lý vi phạm. Do đó, những quy định pháp luật về xây dựng, đấu thầu phải có những chế tài mạnh hơn, đủ sức răn đe đối với những sai phạm trong công tác xây dựng và đấu thầu.
Tại Hội thảo mới đây được Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam tổ chức với chủ đề “Nợ đọng xây dựng cơ bản”, chúng tôi cũng đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Theo đó, giải pháp đầu tiên là các chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục bảo đảm vốn thanh toán dưới hình thức bảo lãnh ngân hàng khi giá trị khối lượng hợp đồng còn lại là 30 - 40%. Ngân hàng thực hiện bảo lãnh tiền thanh toán để khẳng định rằng chủ đầu tư có đủ vốn thanh toán cho nhà thầu và không bị nợ đọng. Quy định này phải thuộc nội dung bắt buộc ghi trong hợp đồng nhận thầu xây dựng…
Đối với những khoản nợ đọng xây dựng cơ bản hiện nay, có thể tính đến giải pháp chuyển thành vốn góp vào doanh nghiệp của chủ đầu tư. Đây là một trong những giải pháp để giảm bớt tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản các dự án sử dụng vốn nhà nước mà doanh nghiệp xây dựng cũng không bị mất vốn và như vậy hệ thống tài chính nhà nước trở nên lành mạnh. Cơ chế này được thực hiện khi có sự thỏa thuận hai bên và được sự chấp thuận của người có thẩm quyền.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng dự kiến có một số chương trình đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ lao động của nhà thầu theo hình thức học hỏi lẫn nhau để giúp các thành viên cùng phát triển.