Nhiều nhà xe bị chuyển từ Bến xe Mỹ Đình về Bến xe Nước Ngầm lo lắng trước nguy cơ phá sản. Ảnh: Nhã Chi |
Doanh nghiệp lao đao
Tại cuộc đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Bộ GTVT, UBND TP. Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội vừa diễn ra, các DN vận tải cho biết, việc điều chuyển luồng tuyến này đang “đẩy” họ tới gần bờ vực phá sản.
Đại diện Nhà xe Mạnh Hà (Thái Bình) cho biết, tình hình kinh doanh của các nhà xe tại Bến xe Nước Ngầm đã sa sút nghiêm trọng. “Chúng tôi đã thực hiện đúng chỉ đạo của Sở nhưng trong 2 tháng vừa qua phát sinh rất nhiều khó khăn. Bến không có khách. Ngày lễ, Tết các bến khác quá tải, nhưng Bến xe Nước Ngầm vắng hoe”, đại diện nhà xe này phản ánh.
Theo vị này, nhiều DN vận tải Thái Bình lỗ gần 100 triệu đồng trong 2 tháng. Càng xe to thì càng lỗ to bởi phải trả nợ ngân hàng, không có khách nhưng vẫn phải nuôi nhân viên. Trong khi đó, theo ông này, mục đích giảm ùn tắc của Hà Nội không thành công vì khu vực Pháp Vân ùn ứ hơn nhiều so với lúc trước. “Việc chuyển luồng tuyến cũng đã sản sinh ra nạn xe dù, bến cóc nhiều hơn. Đừng vì 1 văn bản mà khiến DN phá sản, 600 nhà xe tan tác”, đại diện Nhà xe Mạnh Hà nói.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định cũng cho biết, tình cảnh hiện nay của các DN hội viên rất “chật vật”. Theo ông này, sau gần 2 tháng chuyển về Bến xe Nước Ngầm, có DN 10 đầu xe mà thua lỗ tới hơn trăm triệu đồng. Vị này cho rằng, quyết định này gây khó cho DN, trái với chủ trương hỗ trợ DN của Thủ tướng. Trong khi đó, Sở GTVT Hà Nội lại cấp phép rất nhiều cho xe nhỏ hợp đồng về Nam Định. “Chỉ đạo như vậy là chưa công tâm, chưa công bằng trong quá trình khai thác vận tải”, ông này nói và đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại quyết định điều chuyển luồng tuyến nói trên.
Cùng “cảnh” bị điều chuyển, bà Hồ Thị Hoàng, Giám đốc Công ty Vận tải Hoàng Phương (Thanh Hoá) cho biết, khi chuyển về Bến xe Yên Nghĩa, DN này cũng không bắt được khách, thường xuyên phải chạy trong tình trạng rỗng tải. Mặt khác, Nhà xe Hoàng Phương đi tuyến đường Hồ Chí Minh và không gây tắc đường. “Vì lí do gì mà điều chuyển tuyến chúng tôi?”, bà Hoàng băn khoăn.
Vắng vì nhà xe không chịu... đổi mới?
Trước phản ánh của DN về việc Bến xe Yên Nghĩa, Bến xe Nước Ngầm vắng khách, ông Viện cho biết, tất cả các bến, các tuyến đều vắng khách. Ông Viện cho rằng, các tuyến đường sắt đã được cải thiện hơn nhiều, người dân cũng có nhiều phương thức vận tải khác để lựa chọn. “Nếu vận tải liên tỉnh không tự đổi mới thì người dân sẽ chuyển sang phương thức khác thôi”, ông Viện nói và khẳng định, Sở sẽ tăng cường tuyên truyền về chủ trương điều chuyển luồng tuyến; rà soát bảo đảm kết nối xe buýt đi lại giữa các bến xe và làm việc với DN để tìm biện pháp giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình chuyển đổi.
Sau phát biểu của Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, các DN tiếp tục lên tiếng. Họ cảm thấy các lý lẽ ông Viện đưa ra không đủ sức thuyết phục và liên tục kiến nghị được trở về hoạt động như cũ tại Bến xe Mỹ Đình, sẽ thực hiện chuyển đổi nhưng cần có lộ trình dài hơi hơn (tối thiểu 24 tháng). Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, dù rất chia sẻ với khó khăn của DN nhưng không thể sửa đổi theo hướng cho trở về hoạt động tại Bến xe Mỹ Đình.
“Bến xe Mỹ Đình thực sự quá tải so với yêu cầu của DN. Nếu nó rộng hơn nữa, đường sá thông thoáng thì chẳng việc gì phải điều chuyển. Lỗi này là tại quy hoạch chậm, không phù hợp với phát triển. Chúng tôi cần sự chia sẻ từ phía các DN”, ông Trường nói.
Cuộc đối thoại này diễn ra sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc xem xét, xử lý việc điều chỉnh Quy hoạch luồng tuyến giao thông trên địa bàn Hà Nội.