Nhận định chứng khoán tuần từ 9-13/7: Thị trường đã tạo đáy?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đón chào tuần giao dịch đầu tiên của tháng 7 (từ 2-6/7) với những phiên giảm “sốc.” Đây là tuần thứ tư liên tiếp thị trường lao dốc với nền tảng thanh khoản thấp. 
(Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN)

Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 43,27 điểm xuống 917,51 điểm; HNX-Index giảm 5,47 điểm xuống 100,7 điểm. 

Thanh khoản sụt giảm nhẹ so với tuần trước đó và vẫn ở mức thấp với chỉ khoảng 4.350 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn. 

Thị trường giảm mạnh mà thanh khoản cũng sụt giảm theo chứng tỏ nhà đầu tư vẫn đang rất thận trọng. 

Chỉ đến phiên chiều cuối tuần, dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng mới giúp thị trường "hứng khởi" trở lại và các chỉ số lấy lại các mốc quan trọng là 900 điểm và 100 điểm. 

Mặc dù phiên cuối tuần nhóm cổ phiếu ngân hàng rất tích cực, nhưng nếu tính chung cả tuần, nhóm ngân hàng chính là nhóm có nhiều mã cổ phiếu giảm sâu với VCB giảm 5,2%, BID giảm 11,2%, CTG giảm 9,7%, VPB giảm 6,1%, TCB giảm 5,8%, MBB giảm 8%, ACB 7,9%, SHB 4,9%... 

Nhiều mã cổ phiếu trụ cột lao dốc mạnh cũng đã gây áp lực rất lớn lên các chỉ số. Cụ thể, SAB giảm 2,4%, VRE giảm 5,9%, VNM giảm 2,4%, HPG giảm 4,2%, MSN 6,3%, VIC 1,2%, VJC 5,9%... 

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có diễn biến rất tiêu cực với hầu hết các mã giảm giá như: GAS giảm tới 10,6%, PLX giảm 7%, PVD giảm 5,5%, PVS giảm 8,1%, PVB giảm 7,8%... 

Phiên giao dịch ngày 6/7, giá dầu thế giới khép lại tuần mất giá đầu tiên trong ba tuần giữa bối cảnh các dấu hiệu về xu hướng gia tăng nguồn cung bắt đầu xuất hiện trở lại. 

Kết thúc phiên này, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 8/2018 tăng 86 xu Mỹ (1,2%), lên 73,80 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 9/2018 lại giảm 28 xu Mỹ (0,4%), xuống 77,11 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, dầu WTI và Brent lần lượt giảm 0,5% và 2,7%. 

Đây có thể là những thông tin không tích cực đối với dòng cổ phiếu dầu khí khi mà trị giá của dòng cổ phiếu này liên quan chặt chẽ với sự tăng giảm của giá dầu thế giới. 

Điều quan trọng là thanh khoản của nhóm cổ phiếu dầu khí hiện vẫn rất yếu cùng với diễn biến của thị trường chung nên nhóm cổ phiếu dầu khí có lẽ chưa thể hồi phục trở lại trong tuần tới. 

Trong một diễn biến khác, thị trường chứng khoán thế giới khá tích cực bất chấp những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang có xu hướng leo thang sau khi chính quyền Mỹ áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD đã chính thức có hiệu lực từ 0 giờ 01 phút ngày 6/7 giờ Mỹ (11 giờ 01 phút giờ Hà Nội). 

Các chuyên gia phân tích cho rằng, thông tin này đã được dự báo trước trong nhiều tuần nên nhiều nhà đầu tư tận dụng thời cơ để mua vào chứng khoán. Chính vì vậy, thị trường chứng khoán thế giới vẫn diễn biến rất tích cực. 

Cụ thể, kết thúc phiên cuối tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,4% lên 24.456,48 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,9% lên 2.759,81 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,3% lên 7.688,39 điểm, ghi dấu phiên thứ hai liên tiếp tăng trên 1%. Tính chung cả tuần, Dow Jones tăng 0,7%, S&P 500 tăng 1,5%, còn Nasdaq Composite tăng 2,4%. 

Các thị trường chứng khoán châu Á cũng phục hồi trong phiên ngày 6/7. Chỉ số Nikkei 225 đã tăng 1,12% (241,15 điểm) và đóng phiên ở mức 21.788,14 điểm. Chỉ số chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương MSCI (không kể Nhật Bản) đã tăng 0,6% sau khi giảm 0,5% trước đó cùng ngày. 

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng ở Hong Kong tăng 0,47% (133,53 điểm) lên 28.315,62 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải cộng thêm 0,49% (13,35 điểm) lên 2.747,23 điểm. Chỉ số chứng khoán Hàn Quốc đã tăng 15,32 điểm (0,68%) lên 2.272,87 điểm. 

Trong khi đó, tuần qua với những thông tin vĩ mô trong nước rất tích cực, nhưng vẫn không đủ ngăn được đà giảm của VN-Index trước ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô bên ngoài. 

Thực tế cho thấy, các thông tin hỗ trợ bắt đầu xuất hiện rõ nét hơn trong tuần qua, từ yếu tố vĩ mô khi GDP 6 tháng đầu năm tăng 7,08% và là mức cao nhất kể từ năm 2011 cho đến kết quả kinh doanh của nhóm Blue-chips (cổ phiếu có tính dẫn dắt thị trường và là những cổ phiếu nhận được nhiều quan tâm nhất của toàn bộ giới đầu tư chứng khoán) như ngân hàng, bất động sản bắt đầu hé lộ tín hiệu tăng trưởng tích cực. 

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của thị trường vẫn là thanh khoản yếu. Phiên cuối tuần tuy thị trường có phiên phục hồi, nhưng dòng tiền vẫn rất yếu. 

Rõ ràng là nếu nhà đầu tư chờ đợi "sóng" kết quả kinh doanh quý II thì đây sẽ là thời điểm để mua vào cổ phiếu, song thực tế điều này lại không xảy ra. 

Chính vì vậy, một kịch bản tốt nhất mà nhà đầu tư có thể kỳ vọng có lẽ là thị trường có thêm thời gian đi ngang tích lũy. 

Bên cạnh đó, mức P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) của VN - Index giảm xuống còn khoảng 16 lần, tương đương với mức trung bình giữa năm 2017 sau hơn 3 tháng liên tiếp điều chỉnh sâu vừa qua, nhưng giá cổ phiếu vẫn không hấp dẫn nổi nhà đầu tư khi nhà đầu tư nội ngày càng thận trọng giải ngân và khối ngoại tiếp tục bán ròng hàng nghìn tỷ đồng. 

Theo đó, tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1.216 tỷ đồng trên cả hai sàn; trong đó, khối ngoại bán ròng trên HOSE với hơn 1.218 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với hơn 1,638 tỷ đồng. 

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro từ các yếu tố bên ngoài như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, cuộc chiến thương mại, giảm giá đồng Nhân dân tệ có thể gây thêm áp lực làm mất giá tiền Đồng và dẫn đến sự rút ra nhanh chóng của dòng tiền "nóng" từ các quỹ đầu cơ. 

Nhóm nghiên cứu của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt tin rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có đủ nguồn lực để kiểm soát biến động của tỷ giá theo sát mục tiêu điều hành năm 2018, nhưng chính sách tiền tệ sẽ chặt chẽ hơn trong nửa cuối năm 2018 khiến dòng vốn cho các lĩnh vực rủi ro như thị trường chứng khoán và bất động sản sẽ giảm dần. 

Trong 2 tuần qua, tỷ giá USD tăng khá mạnh, giới phân tích cho rằng, việc tỷ giá tăng có thể tác động mạnh đến diễn biến thị trường chứng khoán. Thực tế, xu hướng tỷ giá và thị trường chứng khoán thường biến động ngược chiều khi tỷ giá tăng thì thị trường chứng khoán sụt giảm. 

Hiện, Ngân hàng Nhà nước hiện đã điều chỉnh giảm giá USD bán ra để ổn định tỷ giá. Ngày 3/7, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm giá bán USD xuống 23.050VND/USD tại Văn phòng giao dịch, qua đó áp mức trần đối với tỷ giá liên ngân hàng. 

Với diễn biến của thị trường hiện tại, nhiều công ty đưa ra những nhận định thận trọng cho diễn biến tuần giao dịch tới (từ 9 - 13/7). 

Công ty chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp cho rằng, nhiều khả năng trong tuần tới chỉ số sẽ tiếp tục sideway (đi ngang) trong biên độ rộng với thanh khoản thấp; mức kháng cự trên 940-960 điểm, mức hỗ trợ dưới 880 - 860 điểm để chờ xác nhận xu thế mới. 

Theo Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt: “Sau phiên cuối tuần tăng điểm, thị trường nhiều khả năng sẽ có các phiên điều chỉnh nhẹ trở lại trong đầu tuần sau. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II vẫn được coi là nhân tố hỗ trợ, nhưng mang tính phân hóa cho các nhóm cổ phiếu trong giai đoạn tới.” 

Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt nhận định: “Khả năng hồi phục của thị trường trong ngắn hạn với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng là có cơ sở, song vẫn còn sớm để có thể kết luận rằng thị trường với đại diện là VN-Index đã tạo đáy.”./. 

Tin cùng chuyên mục