Nhập siêu được kiểm soát tốt

BĐT- Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2015 đạt 27,53 tỷ USD, trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 13,89 tỷ USD, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 13,63 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2015 đạt 27,53 tỷ USD (Ảnh: Internet)
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2015 đạt 27,53 tỷ USD (Ảnh: Internet)

Đánh giá về hoạt động ngoại thương trong năm 2015, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc ký kết và kết thúc đàm phán một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo tiền đề tốt cho hoạt động xuất nhập khẩu, tạo động lực tăng trưởng mới cho hoạt động đầu tư và là cú hích đối với tăng trưởng xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2015 đạt 27,53 tỷ USD, trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 13,89 tỷ USD, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 13,63 tỷ USD.

Một trong những biện pháp căn cơ, hữu hiệu để kiềm chế nhập siêu một cách bền vững chính là thúc đẩy xuất khẩu

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, năm 2015, tình hình kinh tế - xã hội diễn biến phức tạp, sự bất ổn về chính trị tại khu vực và thế giới đã có tác động bất lợi tới nền kinh tế nước ta, xu hướng bảo hộ gia tăng gây khó khăn cho thương mại toàn cầu và ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế, thương mại giữa các nước, trong đó có Việt Nam. Song, nhờ làm tốt công tác dự báo nên ngay từ đầu năm 2015, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, với mục tiêu tổng quát là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

“Những nỗ lực đó đã làm cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt qua khó khăn và đạt kết quả khả quan trong tương quan so sánh với năm trước cũng như so sánh với các nước trong khu vực” - Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam tính đến hết tháng 11/2015 gia tăng đặt ra vấn đề băn khoăn trong việc kiểm soát nhập siêu. Theo ông Trần Tuấn Anh, đánh giá tổng thể diễn biến tình hình năm 2015, nhập siêu được kiểm soát tốt và có xu hướng giảm dần. Trong quý I, nhập siêu ở mức 2,6 tỷ USD; nhập siêu quý II giảm xuống, ở mức khoảng 1 tỷ USD và nhập siêu quý III ở mức 218 triệu USD. Như vậy, tính đến hết tháng 11/2015, con số nhập siêu trong 11 tháng 2015 là khoảng 2,87 tỷ USD, tương đương 1,9% của kim ngạch xuất khẩu. Đây là một con số khá thấp so với mức Quốc hội cho phép là 5%. “Chúng ta đã làm tốt công tác dự báo, điều hành chặt chẽ và kiểm soát tốt mức nhập siêu” – đại diện Bộ Công Thương khẳng định.

Chỉ còn ít ngày nữa Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ chính thức hình thành, cùng với việc tham gia và ký kết thành công một loạt các FTA, để bảo đảm xuất siêu bền vững và kiềm chế nhập siêu, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, một trong những biện pháp căn cơ, hữu hiệu để kiềm chế nhập siêu một cách bền vững chính là thúc đẩy xuất khẩu. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, khơi thông thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường tiêu thụ, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách phát triển, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh, xuất khẩu; nâng cao chất lượng nhập khẩu, ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị tiên tiến từ các thị trường công nghệ “nguồn” hướng vào phục vụ các ngành sản xuất, hướng về xuất khẩu. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý chống gian lận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu, ngăn chặn tình trạng hàng hóa không đáp ứng tiêu chí xuất xứ hàng hóa, có xuất xứ giả được hưởng ưu đãi thuế, tạo lợi thế cạnh tranh không chính đáng, góp phần bảo vệ nền sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng.