Nhật Bản giục Việt Nam đẩy nhanh các dự án ODA

Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nhận định tỷ lệ thực hiện dự án tại Việt Nam khá cao, nhưng các thủ tục hành chính liên quan vẫn còn chậm trễ.

Trong buổi họp báo thường niên của JICA hôm nay, ông Fujita Yasuo - Trưởng đại diện JICA Việt Nam cho biết Việt Nam là một trong những nước có quy mô dự án lớn nhất của cơ quan này trên thế giới. So với các nước khác cũng được JICA hỗ trợ, các dự án tại Việt Nam được đánh giá nhìn chung tốt. Tỷ lệ thực hiện khá cao, nhưng thủ tục còn chậm.

Ông cho biết trong tài khóa 2016 (kết thúc vào tháng 3/2017), tổng vốn vay Nhật Bản cam kết cung cấp cho Việt Nam là 187,1 tỷ yen. Số vốn giải ngân là 175,6 tỷ yen. Các số liệu này giảm nhẹ so với tài khóa 2015.

Sang tài khóa 2017, số vốn ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam sẽ là 130 tỷ yen. Tuy nhiên, định hướng hạn chế nợ công của Việt Nam có thể ảnh hưởng đến các hoạt động dùng vốn vay bằng yen Nhật. Vì thế, đại diện JICA cho biết sẽ bàn bạc với Chính phủ Việt Nam để xác định trọng tâm hỗ trợ trong thời gian tới và tìm ra cách sử dụng cân bằng, hiệu quả nguồn vốn này.

Năm nay, JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các dự án cơ sở hạ tầng (đường cao tốc Bắc - Nam, cảng nước sâu Lạch Huyện), hỗ trợ phát triển ngành ôtô, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao giá trị nông lâm thủy sản và cải cách doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, cơ quan này cũng sẽ có các dự án giúp chống biến đổi khí hậu và cải thiện môi trường đô thị tại Việt Nam.

Riêng với dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 1 và tuyến 2 đang tạm dừng, đại diện JICA cho biết muốn sớm tái khởi động. Cơ quan này sẽ tiếp tục thảo luận với Chính phủ Việt Nam để lên kế hoạch đấu thầu trong năm nay.

Dù vậy, ông Fujita Yasuo cho rằng quá trình quyết định, thực hiện thủ tục hành chính tại Việt Nam còn mất nhiều thời gian. Thậm chí, việc gửi yêu cầu hỗ trợ hằng năm lên JICA cũng chậm. Nếu tăng tiến độ, việc này sẽ tạo ra vòng tuần hoàn tích cực trong nền kinh tế, khi cả lợi nhuận doanh nghiệp và đời sống của người lao động tăng lên. 

Tin cùng chuyên mục