TTCK Việt Nam năm 2015 tương đối ổn định. Ảnh minh họa |
Nếu năm 2014 thị trường chứng khoán (TTCK) chứng kiến cú sốc Trung Quốc kéo giàn khoan ra Biển Đông, một số yếu nhân tại ngân hàng thương mại vướng vào vòng lao lý…, thì năm 2015 lại là đợt lao dốc của TTCK Trung Quốc đi kèm cú “knock out” phá giá đồng Nhân dân tệ hồi giữa năm.
Nửa đầu 2015, Vn-Index có thời điểm tăng lên gần 640 điểm, bằng mức đỉnh trong năm 2014. Tuy nhiên, cú sốc phá giá đồng Nhân dân tệ kéo theo việc NHNN ban hành các chính sách điều hành tỷ giá cộng với việc FED nâng lãi suất USD vào tháng 12 đã khiến thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực về cuối năm. Từ tháng 6 đến nay, không có dòng cổ phiếu (CP) nào đủ sức dẫn dắt thị trường, dòng tiền yếu dần trong khi đó, khối ngoại bán ròng trong 2 tháng cuối năm.
Từ bản báo cáo “màu hồng”
Trong Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2015 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa được công bố có đoạn: “Năm 2015, mặc dù chịu ảnh hưởng của biến động từ nền kinh tế thế giới trong một số giai đoạn (kinh tế và TTCK Trung Quốc, vấn đề tỷ giá, dịch chuyển dòng vốn quốc tế, giá dầu…), tuy nhiên nhờ những cải thiện kinh tế vĩ mô và các giải pháp tái thúc đẩy sự phát triển TTCK, TTCK Việt Nam năm 2015 tương đối ổn định và được đánh giá là điểm sáng thu hút dòng vốn gián tiếp so với các nước trong khu vực”.
Dẫn chứng cho “điểm sáng thu hút dòng vốn gián tiếp so với các nước trong khu vực”, Báo cáo nêu con số: mức vốn hóa thị trường hơn 1.325 nghìn tỷ đồng, tương đương 34% GDP. Về hoạt động niêm yết, đấu giá và huy động vốn, tính đến tháng 12/2015, trên 2 sàn có 682 CP và chứng chỉ quỹ với tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 528.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2014.
Theo đánh giá của UBCK, các chỉ tiêu cơ bản đều tăng so với 2014. Tuy nhiên, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên - một chỉ số rất quan trọng cho thấy sự hấp dẫn của thị trường và mức độ tham gia của nhà đầu tư lại có sự sụt giảm đáng kể so với năm 2014.
Cụ thể, quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên trong năm 2015 đạt 4.964 tỷ đồng, trong đó, giao dịch CP và chứng chỉ quỹ bình quân đạt 2.495 tỷ đồng/phiên, giao dịch trái phiếu đạt 2.470 tỷ đồng/phiên. Trong khi đó, năm 2014 quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên (bao gồm cả CP và trái phiếu) đạt 5.500 nghìn tỷ đồng. Sự sụt giảm thanh khoản cho thấy dòng tiền yếu dần.
Trong 2 tháng cuối năm 2015, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng với giá trị danh mục lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Thiếu sự nâng đỡ của khối ngoại, chỉ số Vn-Index lình xình, giá trị giao dịch nhiều phiên dưới 100 triệu CP, giá trị trên dưới 1.000 tỷ đồng.
Điều đáng nói là mức độ gia nhập của nhà đầu tư mới và dòng tiền mới vào chứng khoán cũng hạn chế cho dù các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, bất động sản, vàng cũng không mấy hấp dẫn. Trong khi đó, một nguồn tiền không nhỏ tìm sang kênh đấu giá cổ phần lần đầu với những mã có sức hấp dẫn lớn. Theo thống kê của UBCK, tính đến hết tháng 11/2015, trên 2 Sở GDCK đã tổ chức đấu giá cho 112 doanh nghiệp với giá trị đạt 6.830 tỷ đồng (tăng gấp đôi về số lượng doanh nghiệp).
Đến khả năng kiếm lời của các nhà đầu tư
Trao đổi với những nhà đầu tư kỳ cựu, nhận định chung được đưa ra: “Năm 2015 vô cùng khó kiếm lợi nhuận”. Một mặt thị trường có nhiều thông tin bất lợi, trong khi đó thông tin tích cực được ban hành và thực thi nửa vời. Nếu tháng 9 thị trường hào hứng với thông tin mở ROOM thì đến cuối năm vẫn chưa có DN nào bán quá 51% CP cho nước ngoài (trừ một số ngành đặc thù) do vẫn thiếu quy định danh mục ngành nghề. Từ hi vọng đi đến thất vọng, nhiều nhà đầu tư đã bán CP, rút tiền đứng ngoài quan sát.
Một thông tin được đánh giá là tích cực khi SCIC công bố danh mục thoái vốn tại 10 DN lớn với giá trị hàng tỷ USD. Đây là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài nhập cuộc, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ hơn về quản trị tại các công ty. Trên thực tế, ngay khi thông tin này được công bố đã tác động tích cực đến giá các CP nằm trong danh mục thoái vốn và ít nhiều lan tỏa trên thị trường. Tuy nhiên, sau 2 tháng công bố thông tin trên, thời điểm, cách thức thoái vốn, nguồn tiền thu được sử dụng như thế nào khi thu về hàng tỷ USD từ các DN thoái vốn vẫn chưa được cụ thể hóa. Điều đó khiến nhà đầu tư thất vọng và các CP như VNM, FPT không còn động lực tăng giá, không có khả năng truyền cảm hứng lan tỏa sang các CP khác.
Cải cách giao dịch, một trong những yêu cầu bức bối trên thị trường, đến thời điểm này vẫn là một chính sách nửa vời. Cụ thể là việc rút ngắn thời gian thanh toán sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, theo đó ngày thanh toán giao dịch CP, chứng chỉ quỹ là ngày làm việc thứ hai sau ngày giao dịch (T+2). Tuy nhiên, do đến chiều ngày T+2 CP và tiền mới về nên thực chất vẫn phải sang đến ngày T+3 nhà đầu tư mới có thể giao dịch.
Khác với mọi năm, thị trường 2015 không vận động theo các con sóng như: đại hội cổ đông, chia cổ tức (diễn ra vào tháng 3), báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng hoặc 9 tháng, hoặc có nhóm CP dẫn dắt… So với đầu năm, đến nay Vn-Index không biến động nhiều về điểm số, nhưng thực chất có nhiều mã CP về mức giá thấp nhất trong lịch sử giao dịch. Dòng CP đầu cơ như FIT, FLC, HAI, KLF… cũng bào mòn không ít tài khoản của nhà đầu tư khi lên tục đi xuống.
Không rõ xu hướng dòng tiền, không có nhóm dẫn dắt, việc đầu tư dựa nhiều vào may rủi. Thị trường quá khó khăn, xuất hiện một xu hướng đầu tư mới: mua CP được hưởng lợi từ kinh tế vĩ mô như giá dầu giảm, kinh doanh có xu hướng độc quyền hoặc hiệu ứng từ việc gia nhập TPP… Điểm chung là các DN này có CP cô đặc, lợi nhuận tốt, thị giá tương đối cao.
Những CP tăng giá mạnh có thể kể tên như: Công ty CP Tập đoàn Container Việt Nam (VSC), Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT), Công ty CP Vicostone (VCS), Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP), Công ty CP Xây dựng Cotec (CTD)… Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng sẵn sàng mua vào các CP này do giá cao, đành đứng ngoài nhìn CP lầm lũi tăng giá.
Để tạo một môi trường đầu tư hấp dẫn, một trong những điều kiện hàng đầu là nâng cao chất lượng hàng hóa thông qua việc thẩm định, kiểm tra chặt chẽ DN chuẩn bị lên niêm yết, quản lý chặt việc tăng vốn. Năm 2015 chứng kiến làn sóng các công ty tăng vốn ồ ạt trước khi niêm yết, sau đó lên sàn bán ra bằng mọi giá khiến dòng tiền bị phân tán và nhà đầu tư mới bị thua lỗ khi mua vào các mã này. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm tình trạng công bố thông tin sai lệch, nhiễu loạn, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư.
Nhà đầu tư - một chủ thể rất quan trọng tham gia thị trường nhưng lại chiếm vị chí khiêm tốn trong báo cáo đánh giá của UBCK với vỏn vẹn 2 con số: “số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,5 triệu tài khoản, tăng hơn 105.000 tài khoản (tương đương 7%) so với cuối năm 2014.
Nhìn lại năm qua có thể thấy, rất ít nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận, nếu may mắn là hòa, còn lại bị lỗ. Số ít kiếm được lợi nhuận là những nhà đầu tư mua CP chiến thắng thị trường thuộc một số ngành: cảng biển, hàng không, ô tô, hóa chất…