6 tháng đầu năm 2018, cả nước xuất siêu 2,7 tỷ USD. Ảnh: Trần Thanh Hải |
Khó xảy ra chu kỳ khủng hoảng 10 năm
Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra hôm qua (2/7), Thủ tướng Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng tiếp tục có nhiều chuyển biến tốt, toàn diện trên các lĩnh vực, nổi bật như GDP 6 tháng tăng 7,08%, cả 3 khu vực (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) đều tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Năng lực sản xuất trong nước tiếp tục gia tăng với trên 64.500 doanh nghiệp mới được thành lập. Xu hướng kinh doanh tích cực hơn, an sinh xã hội được bảo đảm.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đánh giá, các cân đối lớn của nền kinh tế ngày càng vững chắc hơn. Điều này thể hiện trên nhiều mặt, trong đó đã chủ động kiểm soát bội chi ngân sách, kiểm soát nợ công chắc chắn hơn, dưới mức Quốc hội cho phép; cán cân thương mại cải thiện nhiều, từ nước thâm hụt thương mại lớn, năm 2017 đã xuất siêu 2,9 tỷ USD, chỉ 6 tháng đầu năm 2018 đã xuất siêu 2,7 tỷ USD...
Nói về nguy cơ xảy ra khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ 10 năm của Việt Nam như đã xảy ra nhiều thập kỷ gần đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam hiện nay khó có thể xảy ra chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm như nhiều cảnh báo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cảnh báo của nhiều chuyên gia, nhà khoa học về chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm có thể xảy ra trong hai năm 2017 - 2018 là có cơ sở. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, các đợt khủng hoảng trước đây diễn ra chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Hiện tín dụng của ngân hàng tăng trưởng và kiểm soát tốt; thanh khoản của các ngân hàng thương mại tốt; thị trường chứng khoán ổn định, thị trường nhà đất và tín dụng cho bất động sản đã được kìm nén và giải quyết tốt... Các nguy cơ khách quan để phát sinh khủng hoảng đã được để ý, theo dõi và có thống kê cụ thể.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá, chính sách của Chính phủ đã kịp thời ứng phó trước các nguy cơ và lường trước những yếu tố phát sinh khủng hoảng. Chính vì vậy, có thể tin tưởng rằng khó xảy ra khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ 10 năm như các dự báo. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành KH&ĐT cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương lưu ý các yếu tố có thể phát sinh khủng hoảng để không chủ quan với tình hình và nguy cơ như dự báo.
Làm rõ hơn về tình hình tín dụng ngân hàng, chính sách tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, chính sách tiền tệ, tín dụng đã được điều hành chủ động, duy trì ổn định. Diễn biến lạm phát cơ bản vẫn duy trì trong biên độ cho phép 1,3 - 1,5%, điều hành chính sách tiền tệ và mặt bằng lãi suất ổn định. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ cũng được duy trì ổn định. Tỷ giá tăng khoảng 1%, nhu cầu ngoại tệ trên thị trường được đáp ứng. 6 tháng qua, Việt Nam mua ròng được trên 11 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối lên hơn 63 tỷ USD. Tín dụng cũng đã tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hạn chế vào các lĩnh vực rủi ro.
Chủ động kiểm soát lạm phát
“Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng trên 6,8%, lạm phát vẫn giữ được 4%. Theo xếp hạng tín nhiệm của Fitch, Việt Nam là nước tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đó là nhận định của những định chế tài chính lớn, phân tích khách quan, nhưng ta có làm được điều đó hay không chính là do quyết tâm của chúng ta, đổi mới sáng tạo của chúng ta trong chỉ đạo, điều hành”, Thủ tướng chia sẻ tại Hội nghị.
Khó khăn, thách thức phía trước trong lĩnh vực kinh tế, theo Thủ tướng, còn rất nhiều, đầu tiên là sức ép lạm phát 6 tháng cuối năm khi mà chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng mạnh 0,61%, là tháng 6 có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua (chủ yếu là nhóm mặt hàng xăng dầu, ăn uống, giao thông, vật liệu xây dựng). Đây là vấn đề cần tập trung thảo luận tại Hội nghị và phải có giải pháp cụ thể để kiểm soát lạm phát năm nay không quá 4%. Thủ tướng nhắc lại chủ trương không tăng giá điện trong năm nay, giá dịch vụ y tế thì có đủ điều kiện mới tăng trên tinh thần giữ lạm phát không quá 4%.
Ngoài ra, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiện mới đạt 33% dự toán năm. So với năm ngoái có tốt hơn nhưng đây vẫn là khâu yếu.
Môi trường đầu tư kinh doanh mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn rào cản, sự cải thiện có dấu hiệu chững lại. Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tiếp tục cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, gắn công tác chỉ đạo, triển khai với công tác theo dõi, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết xử lý, thay thế cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc, uy tín thấp, có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp...