Nhiệt điện than đóng vai trò đảm bảo an ninh năng lượng

(BĐT) - Tại Hội thảo “Cần có cái nhìn đúng về nhà máy nhiệt điện than” được tổ chức vào sáng ngày 13/12 tại Hà Nội, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trong giai đoạn sắp tới, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Nhiệt điện than với công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường vẫn mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống điện
Nhiệt điện than với công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường vẫn mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống điện

Ông Hưng cho biết, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, cả nước sẽ có hơn 70 nhà máy nhiệt điện than. Dự kiến, giai đoạn 2018 - 2022, tổng công suất các nguồn điện đưa vào vận hành là 34.864 MW, trong đó nhiệt điện than là 26.000 MW.

Tuy nhiên, thực tế tới nay mới chỉ có 7 dự án nhiệt điện than được khởi công và đang triển khai xây dựng với công suất 7.860 MW, còn thiếu 18.000 MW theo yêu cầu. Nguồn thuỷ điện lớn và vừa cơ bản đã khai thác hết. Nhiệt điện khí trong nước trữ lượng các mỏ bắt đầu suy giảm, chi phí sản xuất điện cao do giá khí cao… Trong khi đó, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2016 - 2030 với kịch bản cơ sở bình quân 7,0%, tương ứng với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc ở phương án cơ sở giai đoạn 2016 - 2020, 2021 - 2025 và 2026 - 2030 là 10,6%, 8,5% và 7,5%.

Do đó, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, năm 2030 cũng như những năm tiếp theo, nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện mới đảm bảo cung cấp đủ điện với giá điện hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội.

Các chuyên gia cho rằng, nhiệt điện than với công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường vẫn mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống điện vì diện tích chiếm đất ít, sản lượng điện lớn, ổn định, giá thành sản xuất hợp lý hơn các nguồn điện khác. Bên cạnh đó, vấn đề môi trường đã và đang được kiểm soát, giám sát chặt chẽ bởi Chính phủ, các bộ, ngành cũng như các tổ chức xã hội và nhân dân nơi có dự án.