Pháp luật về cạnh tranh cần có biện pháp để ngăn chặn tình trạng tương tự như vụ việc giá xăng giảm nhưng cước phí vận tải không giảm. Ảnh: Nhã Chi |
Nảy sinh nhiều hành vi phản cạnh tranh
Đánh giá tác động của Luật Cạnh tranh hiện hành, ông Trịnh Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương thừa nhận, Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương (FTA/RTA) thế hệ mới bao gồm cả các cam kết về cạnh tranh. Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh hiện hành chưa được điều chỉnh theo hướng tiệm cận với các thông lệ và kinh nghiệm chung của thế giới, như các hành vi phản cạnh tranh có xu hướng mang tính chất xuyên biên giới...
Theo ông Tuấn, thực tế hiện nay cũng nảy sinh nhiều hành vi phản cạnh tranh mới, đa dạng. Các hành vi hạn chế cạnh tranh mang tính tận thu, hoặc đóng cửa thị trường, loại bỏ đối thủ cạnh tranh được thực hiện dưới nhiều hình thức mới với mức độ tinh vi, phức tạp ngày càng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực dịch vụ và môi trường công nghệ, môi trường số. Trong khi đó, các quy định của Luật Cạnh tranh hiện hành còn mang tính mô tả, cứng nhắc, chưa nhằm vào bản chất phản cạnh tranh của hành vi, mà chỉ nhắm đến hình thức biểu hiện bên ngoài của hành vi, không bắt kịp được các biến động thường xuyên, liên tục của thị trường.
Theo Hiến pháp 2013, “các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều DN nhà nước có những hành vi chưa phù hợp với pháp luật cạnh tranh và còn tình trạng nhiều cơ quan bộ, ngành ở cả Trung ương và địa phương ban hành các chính sách và văn bản hành chính tạo sự phân biệt đối xử, gây cạnh tranh không công bằng giữa DN nhà nước và các DN khác. Luật Cạnh tranh hiện hành còn thiếu các quy định đảm bảo hiệu quả, hiệu lực trong việc giám sát, kiểm soát và xử lý các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh và tập trung kinh tế của DN nhà nước...
Chế tài nào để bảo vệ DN?
Sở dĩ việc thực thi pháp luật về cạnh tranh thời gian qua kém hiệu quả, một số chuyên gia cho rằng, đó là vì cơ quan quản lý về cạnh tranh, cơ quan điều tra các vụ việc không mang tính khách quan, độc lập. Hiện cơ quan này trực thuộc Bộ Công Thương, trong khi đó Bộ này cũng là cơ quan chủ quản của rất nhiều DN, dẫn đến việc không đảm bảo tính công bằng giữa các DN. Do đó, nhóm ý kiến này cho rằng nên thành lập ủy ban cạnh tranh quốc gia trực thuộc Chính phủ.
Tuy nhiên, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam lại cho rằng, vị trí của cơ quan này nằm ở đâu cũng không đảm bảo được, nếu như không có tính độc lập, chủ động và hiệu quả. Việc sáp nhập Cục Quản lý cạnh tranh với Hội đồng Cạnh tranh quốc gia là cần thiết và do Bộ Công Thương quản lý là phù hợp, đây cũng là đặc điểm chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan này và tổ chức, cá nhân trực thuộc phải tự chịu trách nhiệm nếu không thực thi nhiệm vụ được giao.
Để đảm bảo môi trường kinh doanh cạnh tranh, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cần phải làm rõ là Nhà nước sử dụng công cụ hành chính hay bằng công cụ pháp luật cạnh tranh? Bà Hồng viện dẫn một số trường hợp cụ thể đã xảy ra trong những năm gần đây như vụ việc giá xăng giảm nhưng cước phí vận tải không giảm; giá sữa thế giới giảm mạnh, còn giá sữa trong nước vẫn ở mức cao, trong khi nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu... Trong các vụ việc này, Nhà nước mới chỉ áp dụng biện pháp hành chính như yêu cầu DN vận tải tính toán, kê khai lại giá; bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi... Hay như một số nghi ngại khác về việc liệu các “ông lớn” DN ngành viễn thông có bắt tay nhau để kiến nghị tăng giá cước 3G, mặc dù không phải kiến nghị cùng một lúc? Vậy, pháp luật về cạnh tranh có biện pháp để ngăn chặn tình trạng này và ai là “người phán xử”?