Ông Trần Quang Cần, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Xây dựng điện Việt Nam |
Trước hết, hiện nay giá cả vật tư đang tăng rất cao, Nhà thầu ký kết hợp đồng xong, sau một thời gian ngắn, chưa triển khai đã lỗ ngay, điển hình như các gói thầu ký kết hợp đồng theo đơn giá cố định.
Thực tế việc triển khai thi công các dự án xây lắp đường dây và trạm gặp nhiều khó khăn. Nhiều công trình đấu thầu xong nhưng mấy năm không thi công được do việc bàn giao mặt bằng, đất vĩnh viễn và hành lang tuyến chậm, dẫn đến thời gian thi công kéo dài, các chi phí như thuê kho bãi, lán trại, chi phí quản lý phát sinh tăng theo nhưng không được tính phát sinh trong hợp đồng.
Về việc quyết toán công trình, chủ đầu tư giữ lại 8 đến 10% giá trị, thậm chí 20% giá trị hợp đồng chờ quyết toán trong lúc lợi nhuận gộp theo đơn giá định mức rất thấp, hầu hết công trình bị lỗ.
Thêm vào đó, nhà thầu đảm nhận việc chi trả đền bù với phí đền bù cao hơn rất nhiều so với quy định của Nhà nước. Nhà thầu phải thỏa thuận với người dân theo đơn giá đền bù của người dân tự đưa ra, với chi phí phát sinh tăng rất lớn, trong khi các chi phí này không được chủ đầu tư xem xét thanh toán, hỗ trợ cho nhà thầu.
Chưa kể, các hướng dẫn áp dụng định mức đối với phần xây dựng thi công móng công trình đường dây tải điện đến nay đã lạc hậu, gây khó khăn rất nhiều cho nhà thầu. Hầu hết các công trình lưới điện đều thuộc các công trình dạng tuyến có chiều dài hàng trăm km, hàng chục km đi qua nhiều địa hình khó khăn (đồi núi, sông suối, đầm lầy), việc di chuyển máy móc, điều động nhân lực, vận chuyển vật tư, vật liệu hết sức khó khăn…, nhưng trong định mức chưa phản ánh được những khó khăn đó.