Khi thực hiện các gói thầu trên đường bộ đang khai thác, cần bố trí thi công hết sức hợp lý và khoa học để ảnh hưởng ít nhất đến lưu thông của các phương tiện giao thông. Ảnh: Lê Tiên |
Nguyên nhân của tình trạng này là do không thống nhất, không có liên kết trong quy hoạch và triển khai các công trình hạ tầng giao thông với các hạ tầng liên quan khác. Thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội đã đưa ra yêu cầu giải quyết vấn đề này.
Theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nguyên nhân ùn tắc giao thông gia tăng ở các đô thị, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM hiện nay có phần do tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị quá thấp so với số lượng phương tiện giao thông, nhất là các đô thị xây dựng mới sau năm 2008 chưa tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (từ 16% đến 26%). Đồng thời, sự tăng mạnh về số lượng phương tiện tham gia giao thông và nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là tại các khu đô thị lớn… dẫn đến ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó, một số đại biểu Quốc hội chỉ ra, tình trạng lộn xộn, mất an toàn giao thông có nguyên nhân là do trong xây dựng quy hoạch và triển khai hạ tầng giao thông đô thị và các công trình liên quan (như viễn thông, điện, thoát nước…) có sự chồng chéo trong đầu tư, gây lãng phí nguồn lực, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn lao động, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Thực tế đã cho thấy rất nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra là do nhiều công trình được đầu tư chồng lấn, vừa thi công công trình, vừa lưu thông.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, vấn đề đường sá đi lại ở các thôn xóm, làng xã nhiều nơi đang thực sự đáng báo động vì chật hẹp và mất vệ sinh do nước thải, nước bẩn…, thiếu chỗ tránh, thiếu bãi để xe. Nhiều công trình giao thông lớn gần như không có quy hoạch từ trước, tùy tiện trong xây dựng nên gây lộn xộn và mất mỹ quan. Việc đầu tư xây dựng đường, đường sắt trên cao trong nội đô làm cho cảnh quan thành phố bị chia cắt, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng như: đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đường trên cao nối cầu Thăng Long - cầu Thanh Trì… Theo ông Trí, khi thực hiện các gói thầu trên đường bộ đang khai thác, cần bố trí thi công hết sức hợp lý và khoa học về thời gian để ảnh hưởng ít nhất đến lưu thông của các phương tiện giao thông. Đối với các công trình lớn như cầu vượt, đường hầm qua nút giao thông lớn trong thành phố thì phương án nào rút ngắn thời gian thi công phải được coi là một ưu tiên khi lựa chọn nhà thầu.
Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội), trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), cần bổ sung quy định về việc lập quy hoạch mạng lưới đường bộ phải tuân thủ pháp luật về quy hoạch và bảo đảm kết nối vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác, bao gồm cả không gian ngầm và trên cao; bảo đảm phù hợp giữa quy hoạch mạng lưới đường bộ với các hoạt động vận tải, phương án tổ chức giao thông dài hạn. Đây là vấn đề rất cấp thiết, đặc biệt trong đô thị, liên quan đến nhiều lĩnh vực cấp điện, cấp, thoát nước, xử lý nước thải, đỗ xe ngầm, giao thông ngầm hiện còn rất nhiều bất cập. Những tồn tại này cần được giải quyết từ khâu quy hoạch, đưa hoạt động vận tải vào khuôn khổ quy hoạch quản lý.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nhận xét, hiện tượng vừa đào lên lại lấp xuống hay ngược lại trong thi công hạ tầng cho thấy sự chồng chéo trong cách làm, sự phối hợp không tốt của các đơn vị liên quan trong quản lý nhà nước. Bà Hiền khuyến nghị, từ khâu lập quy hoạch, xây dựng và triển khai các công trình hạ tầng, các đơn vị quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng nên ngồi lại với nhau để bàn bạc, thống nhất về lộ trình đầu tư xây dựng, tiến độ, biện pháp thực hiện để bảo đảm an toàn, chứ không triển khai một cách tùy tiện, tạo ra nhiều hệ lụy bất cập như hiện nay.