Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm lần hai. |
Ngày 18/7, TAND tỉnh Sơn La mở phiên sơ thẩm lần hai xét xử sai phạm trong bồi thường giải phóng mặt bằng công trường Nhà máy thủy điện Sơn La.
Trong 13 bị cáo, có các ông Trương Tuấn Dũng (cựu phó giám đốc Sở Tài chính Sơn La), Phan Tiến Diện (cựu phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La) hầu tòa vì tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999.
Bốn bị cáo còn lại, trong đó có ông Triệu Ngọc Hoan (cựu giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La), Sòi Ngọc Hùng (cựu giám đốc văn phòng đăng ký đất tỉnh) hầu tòa vì tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 285 Bộ luật hình sự 1999.
Đầu tháng 6, vụ án được đưa ra xét xử, có 16/17 bị cáo kêu oan cho rằng việc bồi thường cho nhân dân được cấp trên đồng ý; hộ được bồi thường là Đèo Văn Ban (bị cáo trong vụ án, bị truy tố theo Điều 165, Bộ luật hình sự 1999) làm ruộng nên thật sự có đất...
Hội đồng xét xử sơ thẩm lần một đã trả hồ sơ, yêu cầu "bổ sung một số vấn đề không thể làm rõ tại tòa". Sau đó, VKSND tỉnh Sơn La ra cáo trạng, giữ nguyên quan điểm truy tố với 17 người.
Theo cáo trạng, năm 2005 công tác chi tiền bồi thường, hỗ trợ di dời cho các hộ dân theo hình thức đất đổi đất tại khu vực nhà máy thủy điện Sơn La đã hoàn thành. Tuy nhiên, khu tái định cư Tân Lập (Sơn La) không thể bố trí đất ruộng, ao cho người dân như nơi họ phải chuyển đi nên Chính phủ cho phép bồi thường thêm phần chênh lệch giá trị đất giữa nơi đi và nơi đến.
Năm 2014, UBND tỉnh Sơn La ra công văn 617 chỉ đạo UBND huyện Mường La thống kê lại diện tích đất của từng hộ và đề xuất phương án bồi thường, hỗ trợ. Ông Trương Tuấn Dũng khi đó là Phó chủ tịch UBND huyện Mường La đã ban hành Kế hoạch số 41 triển khai chỉ đạo của tỉnh.
Khi huyện Mường La thực hiện đo đạc, đã xuất hiện nhiều đơn thư vượt cấp đề nghị được bồi thường theo khung giá năm 2015 thay vì khung năm 2013, việc này gây mất an ninh trật tự. Cơ quan điều tra xác minh, cho thấy có sai phạm trong việc ban hành Kế hoạch 41 cũng như công tác đo đạc, lập bản đồ bồi thường cho các hộ dân gồm hộ Đèo Văn Ban. Việc này dẫn tới hộ ông Ban được bồi thường sai gần 1,2 tỷ đồng.
Cơ quan công tố cáo buộc, với chức vụ Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Sơn La, ông Triệu Ngọc Hoan có thẩm quyền ký ban hành bản đồ địa chính. Tuy nhiên, ông này đã không thực hiện đúng quy trình, không kiểm tra tài liệu, không nắm được bản đồ địa chính do Văn phòng đăng ký đất đai lập có đúng hay không. Ông Hoan vẫn ký xác nhận hỗ trợ cho các hộ dân.
Trong vụ án, trách nhiệm chính trong vụ thuộc về bị cáo Trương Tuấn Dũng vì đã ký ban hành Kế hoạch 41. Các bị cáo khác biết kế hoạch này không đúng nhưng vẫn làm theo hoặc không thực hiện đúng quy trình bồi thường...
Phiên tòa dự kiến xét xử trong nhiều ngày.
Thủy điện Sơn La nằm trên huyện Mường La, được khởi công năm 2005, hoàn thành năm 2012, tổng công suất 2.400 MW, là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Hàng năm công trình góp hơn 10 tỷ kWh, chiếm gần 10% sản lượng điện bình quân cả nước.
Đến năm 2015, chi phí xây dựng nhà máy gần 35.000 tỷ đồng (giữ nguyên so với dự toán); xây dựng công trình giao thông 4.400 tỷ đồng (giảm 662 tỷ đồng). Hạng mục di dân tái định cư tăng hơn 6.100 tỷ đồng.