Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái bán dẫn, trí tuệ nhân tạo có quy mô lớn trong khu vực. Ảnh: Nhã Chi |
Đồng hành nắm bắt cơ hội
Cuối năm ngoái, ông Jensen Huang, Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA - tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, AI của Hoa Kỳ đã có chuyến thăm và làm việc tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) với dự định hợp tác, trong đó có cam kết đưa Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của Tập đoàn.
Tiếp nối câu chuyện năm 2023, chia sẻ tại Hội thảo Doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sóng AI và bán dẫn với chủ đề “Cơ hội và thách thức” vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức, TS. Ettikan Karuppiah, Giám đốc/chuyên gia công nghệ khu vực châu Á -Thái Bình Dương của Tập đoàn NVIDIA nhấn mạnh: “Không dừng ở cam kết, NVIDIA đang hành động để thực hiện cam kết này. Tập đoàn đã lên kế hoạch triển khai với mong muốn đầu tư một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Việt Nam để tận dụng năng lực và kỹ năng về công nghệ phần mềm của Việt Nam, qua đó góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nâng cao năng lực nội sinh, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động...”.
Đại diện NVIDIA cho hay, để phát triển AI tạo sinh, NVIDIA sẽ kết hợp với DN Việt Nam để tạo ra các mô hình mới, kích hoạt thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần hỗ trợ các địa phương phát triển, thay đổi cách thức vận hành quản trị…, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động.
Trước đó, hé lộ về lý do NVIDIA lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, lãnh đạo Tập đoàn chia sẻ, điều mà NVIDIA nhìn thấy ở người Việt Nam chính là tinh thần và văn hóa đổi mới sáng tạo vô cùng mạnh mẽ. Việt Nam đang sở hữu một nguồn nhân lực trẻ có kỹ năng về công nghệ phần mềm dồi dào…
Khác với “người mới” NVIDIA, bà Sarah Kemp, Phó Chủ tịch Quan hệ chính phủ quốc tế Tập đoàn Intel cho hay, Intel vào Việt Nam từ năm 2006 với nhà máy sản xuất và kiểm định chip tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Sau lần đầu tư thêm 475 triệu USD đầu năm 2021, đến nay, tổng vốn của Tập đoàn đầu tư vào Việt Nam lên tới hàng tỷ USD. Hoạt động đầu tư tại Việt Nam đã và đang tiếp tục mang lại những kết quả tích cực cho Tập đoàn…
Sau 5 năm nỗ lực kết nối và lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, lãnh đạo NIC cho biết, hiện nay, Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái bán dẫn, trí tuệ nhân tạo có quy mô lớn trong khu vực với sự tham gia của Google, Meta, NVIDIA, AMD, Qualcomm, Intel, Amkor, Hana Micron, Marvell, Cadence, Synopsys… và rất nhiều DN công nghệ cao trong ngành điện tử.
Thông tin vừa được Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH&ĐT cập nhật cho thấy, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 9 tháng qua đạt gần 25 tỷ USD, tăng hơn 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Không ít tập đoàn lớn trên thế giới đã cam kết và từng bước thực hiện cam kết đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Trần Anh Minh, đồng sáng lập Quỹ ViSemiS nhận định: “Đây là thời điểm mọi yếu tố, “mũi tên” đang chỉ về một hướng, chúng ta hãy cùng nhau đồng hành tiến bước để nắm bắt tốt cơ hội đang mở ra đối với ngành công nghiệp đầy tiềm năng này, góp phần đưa đất nước phát triển”.
Tăng tốc cải cách, hoàn thiện chính sách
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam đang ở thời điểm hết sức quan trọng khi chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Nhiều ý kiến tại Hội thảo Doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sóng AI và bán dẫn cũng cho rằng, Việt Nam đang có “cơ hội vàng” để phát triển các ngành công nghiệp AI, bán dẫn. “Cánh cửa cơ hội mở ra, nhưng nếu Việt Nam không thực hiện nhanh các giải pháp để nắm bắt thì có thể cơ hội sẽ “tuột” mất, bởi các nước láng giềng như: Indonesia, Singapore… đang triển khai rất quyết liệt các giải pháp để cạnh tranh thu hút đầu tư FDI ở những ngành này”, ông Trần Anh Minh nêu thách thức.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể để thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ cao.
“Việt Nam từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các DN công nghệ cao và trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư trong năm 2024 để hỗ trợ đầu tư cho các DN trong lĩnh vực bán dẫn, AI và công nghệ cao”, Bộ trưởng thông tin.
Tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Bộ KH&ĐT tiếp tục đề xuất những cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội cho nhà đầu tư. “DN đầu tư vào các ngành bán dẫn, AI, công nghệ cao thuộc diện khuyến khích đầu tư. Nếu các dự án này nằm trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất thì dự kiến không phải xin chấp thuận đầu tư; trong 15 ngày phải cấp chứng nhận đầu tư; khi cấp xong có thể triển khai được ngay mà không cần phải làm thủ tục về xây dựng, báo cáo đánh giá tác động môi trường…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm.
Cũng liên quan đến cơ chế, chính sách, tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với NIC, Bộ KH&ĐT tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá, thuận lợi đối với cá nhân, tổ chức hoạt động tại Trung tâm.
Tháng 9/2024, Bộ KH&ĐT đã giao NIC phối hợp cùng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại học bang Arizona khởi động và triển khai chương trình tại Việt Nam với mục tiêu đào tạo hơn 4.000 kỹ sư đóng gói, kiểm thử vi mạch từ nay đến hết năm 2025. Việt Nam cũng đang tích cực tăng cường hợp tác quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực, phát triển ngành công nghiệp này. Cũng trong tháng 9/2024, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050...