Nhiều điểm sáng trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đất đối với các dự án tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cũng như tính cạnh tranh, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư ngày càng được cải thiện; việc công bố danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư dự án được các địa phương triển khai rộng rãi hơn ở nhiều lĩnh vực. Đây là những điểm sáng nổi bật trong hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư năm 2023 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2023, có 144 dự án đầu tư có sử dụng đất được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP - ảnh minh họa: internet
Năm 2023, có 144 dự án đầu tư có sử dụng đất được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP - ảnh minh họa: internet

Tại Báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng số dự án đầu tư có sử dụng đất được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP trong năm 2023 là 144 dự án. Tổng vốn đầu tư của các dự án được lập là 372.444 tỷ đồng, tăng 97% so với năm 2022 (188.762 tỷ đồng). Tổng diện tích đất sử dụng của các dự án là 6.888 ha, tăng 44% so với năm 2022 (4.775 ha). Điều này cho thấy, hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đất đối với các dự án tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tiếp tục được cải thiện.

Bên cạnh đó, việc công bố danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư dự án theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa và dự án chọn áp dụng quy định lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật về đấu thầu được các địa phương triển khai rộng rãi hơn ở nhiều lĩnh vực. Tổng số dự án theo quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật về xã hội hóa phải tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu trong năm 2023 là 58 dự án, tăng 71% so với năm 2022 (34 dự án). Tổng vốn đầu tư của các dự án này được lập là 37.181 tỷ đồng, cao hơn 41% so với năm 2022 (26.394 tỷ đồng). Việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật về đấu thầu được triển khai ở nhiều lĩnh vực, gồm: nhà ở xã hội (19 dự án, 33%); khai thác khoáng sản (12 dự án, 21%); giao thông vận tải (8 dự án, 14%); môi trường (6 dự án, 10%); giáo dục và nạo vét cửa sông, cửa biển kết hợp thu hồi sản phẩm (mỗi lĩnh vực có 3 dự án, 5%); cấp, thoát nước (2 dự án, 3,4%); các lĩnh vực còn lại là y tế, thể thao, chợ, năng lượng tái tạo, nông nghiệp và phát triển nông thôn (mỗi lĩnh vực có 1 dự án, 1,7%).

Cùng với đó, tính cạnh tranh, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư ngày càng được cải thiện. Cụ thể, trong số 144 dự án đầu tư có sử dụng đất được công bố danh mục trong năm 2023, có tổng số 170 nhà đầu tư tiếp cận thông tin và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án. Đối với dự án phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật chuyên ngành và pháp luật về xã hội hóa, sau khi công bố danh mục dự án (58 dự án), có tổng số 99 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện.

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đăng tải thông tin, lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện tối đa hóa trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Thông tư số 10/2022/TT-BKHĐT ngày 15/6/2022 quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin và lựa chọn nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được ban hành đã góp phần tạo thuận lợi cho các bên tham gia trong quá trình tổ chức đấu thầu, đồng thời tăng tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch, tiết kiệm chi phí trong đấu thầu. Cùng với đó, tiến độ lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư có sử dụng đất chuyển tiếp (thực hiện theo quy định của Nghị định 30/2015/NĐ-CP) cũng được cải thiện. Trong năm 2023, việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư có sử dụng đất thực hiện quy định chuyển tiếp của Nghị định 25/2020/NĐ-CP đã được đẩy nhanh tiến độ so với năm 2022. Số lượng dự án chuyển tiếp chỉ còn 10 dự án trong năm 2023, so với 54 dự án của năm 2022. Tổng giá trị đầu tư các dự án còn lại trong năm 2023 chỉ còn 8.354 tỷ đồng so với 51.150 tỷ đồng của năm 2022.

Bên cạnh nhiều điểm sáng tích cực, tại Báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác lựa chọn nhà đầu tư như hình thức chấp thuận nhà đầu tư vẫn được áp dụng chủ yếu, địa phương vẫn còn vướng mắc, tồn tại trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; công tác quản lý nhà nước về đấu thầu nhà đầu tư chưa được địa phương quan tâm, thực hiện đầy đủ.

Cụ thể, đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, tỷ lệ áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong năm 2023 là 17% (24/144 dự án), thấp hơn so với năm 2022 là 19% (51/264 dự án). Tỷ lệ thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư của năm 2023 tăng cao, 66% (95/144 dự án) so với 37% (98/264 dự án) của năm 2022. Đối với dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa và dự án chọn áp dụng pháp luật về đấu thầu trong lựa chọn nhà đầu tư, năm 2023 có 32/58 dự án (55%) thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư; chỉ 6/58 dự án (10%) được tổ chức đấu thầu rộng rãi; 20/58 dự án còn lại (34%) chưa được các địa phương, bộ ngành xác định rõ hình thức lựa chọn nhà đầu tư hoặc đang trong quá trình đánh giá yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện.

Hiện một số địa phương vẫn tiếp tục phản ánh khó khăn trong xác định thời điểm để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để làm căn cứ xác định giá sàn nộp ngân sách nhà nước tại thời điểm lập hồ sơ mời thầu. Tổng hợp kết quả báo cáo của các địa phương cũng cho thấy, trong năm 2023, đa phần các địa phương không tự tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc lựa chọn nhà đầu tư; công tác phổ biến văn bản quy phạm pháp luật và đào tạo, tập huấn về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư chưa được nhiều địa phương quan tâm; báo cáo tình hình thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư chưa được chú trọng.

Tin cùng chuyên mục