Trong gần 4 năm qua (2016 - 2019), các bộ, ngành đã trình ban hành 29 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên |
Về cơ bản, các điều kiện kinh doanh quy định chung chung, khó tiên liệu, không rõ ràng, trùng lặp đã được cắt giảm nhằm dỡ bỏ rào cản gia nhập thị trường, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Kết quả đạt được ngày càng rõ ràng, qua đó, củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào nỗ lực cải cách của Chính phủ.
Trong gần 4 năm qua (2016 - 2019), các bộ, ngành đã trình ban hành 29 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 110,6%, vượt 10,6% so với yêu cầu). Ngày 17/6/2020, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi), theo đó đề xuất bãi bỏ 21 ngành, nghề; sửa đổi 24 ngành, nghề và bổ sung 7 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện.
Tuy vậy, Báo cáo cũng nêu rõ, thực tế vẫn còn các điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng ít ý nghĩa về hiệu quả quản lý nhà nước; hoặc cắt giảm theo hướng hạ thấp mức độ yêu cầu để đảm bảo đơn giản hóa hơn là cắt bỏ quy định, cải cách thực chất vì doanh nghiệp; hoặc cắt bỏ các quy định, thủ tục ít gây khó cho doanh nghiệp, trong khi vẫn giữ lại những thủ tục tạo quyền lực hoặc khó cho doanh nghiệp… Bên cạnh đó, hầu hết các bộ mới chỉ đăng tải công khai các điều kiện kinh doanh sau khi cắt giảm, nhưng chưa theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả, hiệu lực thực thi những cải cách này.