Tồn kho chiếm tỷ trọng lớn
Theo báo cáo của 53/63 địa phương gửi Bộ Xây dựng, lượng tồn kho BĐS tại các dự án trong quý IV/2023 là khoảng 16.315 căn, gồm 2.826 căn chung cư, 5.173 căn nhà ở riêng lẻ và 8.316 đất nền. Bộ Xây dựng nhận định, nhìn chung, lượng tồn kho BĐS năm 2023 tại các dự án đối với phân khúc nhà ở chung cư, nhà ở riêng lẻ và phân khúc đất nền có xu hướng giảm.
Thống kê từ báo cáo tài chính quý IV/2023 của 13 doanh nghiệp BĐS niêm yết cho thấy, hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp vẫn ở mức cao, chiếm hơn 50% tổng tài sản.
Tại thời điểm 31/12/2023, giá trị hàng tồn kho của 13 doanh nghiệp này ở mức 274.150 tỷ đồng, tăng 0,49% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) dẫn đầu danh sách với 138.559 tỷ đồng, tăng 3.643 tỷ đồng (tăng 2,7%) so với đầu năm 2023 và chiếm khoảng 57,4% tổng tài sản. Hàng chục nghìn tỷ đồng trong số này được dùng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay nợ.
Cơ cấu hàng tồn kho của Novaland gồm: 129.616 tỷ đồng tồn kho là BĐS để bán đang xây dựng (chủ yếu bao gồm các khoản chi phí tiền sử dụng đất, tư vấn thiết kế, xây dựng và chi phí khác); 9.014 tỷ đồng là BĐS để bán đã xây dựng hoàn thành và 110,9 tỷ đồng là hàng hóa BĐS, hàng hóa khác.
Đứng sau Novaland là Công ty CP Vinhomes với giá trị hàng tồn kho tại thời điểm cuối năm 2023 đạt hơn 52.342 tỷ đồng, giảm 18,68% (tương đương 12.020 tỷ đồng) so với thời điểm đầu năm nhờ bàn giao chủ yếu các căn thấp tầng tại Ocean Park 2 và Ocean Park 3. Lượng hàng tồn kho của Vinhomes chỉ chiếm tỷ trọng 11,7% trong tổng tài sản của doanh nghiệp.
Trong số doanh nghiệp có tỷ trọng hàng tồn kho lớn và tăng mạnh so với đầu năm 2023 có thể kể đến là Công ty CP Đầu tư Nam Long với 17.348 tỷ đồng, tăng 17% và chiếm 60,6% tổng tài sản. Hàng tồn kho của Nam Long gia tăng đến từ việc đẩy mạnh đầu tư cho các dự án Akari, Izumi, Waterpoint giai đoạn 1, Nam Long II (Cần Thơ).
Lượng hàng tồn kho của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền cũng chiếm tới 71% tổng tài sản, ở mức 18.787 tỷ đồng (tăng 50,86% so với đầu năm 2023), chủ yếu nằm ở các dự án Khu dân cư Tân Tạo, Đoàn Nguyên Bình Trưng Đông, The Privia Khang Điền, The Green Village.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tổng lượng giao dịch 6 tháng cuối năm 2023 đạt 230.066 căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền, tăng 13% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, theo số liệu thống kê của 62/74 doanh nghiệp BĐS nhà ở công bố báo cáo tài chính quý IV/2023, lợi nhuận sau thuế cả ngành trong quý IV tăng mạnh từ mức nền thấp ở cùng kỳ năm 2022, đạt 194,5%, sau khi loại trừ nhóm Vingroup. Đây là kết quả khả quan trong bối cảnh thị trường BĐS còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2023, toàn ngành BĐS nhà ở vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh giảm sút. Cụ thể, doanh thu giảm 38,4%, đạt 48.521 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 22,3%, đạt 9.073 tỷ đồng.
Nỗ lực giảm nợ vay
Dù ngành BĐS gặp khó nhưng kết quả kinh doanh của Vinhomes trong năm 2023 vẫn tích cực. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 103.334 tỷ đồng và 33.286 tỷ đồng, lần lượt tăng 65% và 14% so với năm 2022. Đi cùng với đó, nợ vay của doanh nghiệp này cũng tăng 58% lên mức 56.682 tỷ đồng.
Theo số liệu tổng hợp của phóng viên, đi ngược với Vinhomes, nhiều doanh nghiệp BĐS đã cố gắng giảm nợ vay trong năm qua. Đơn cử như nợ vay của Novaland giảm 11% xuống còn 57.704 tỷ đồng; Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt giảm 30% xuống còn 3.104 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Hải Phát giảm 25,72% xuống còn 2.464 tỷ đồng…
TPS cho rằng, trong tháng đầu năm 2024, thị trường BĐS đón nhận những tín hiệu tích cực như Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, tình hình tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS có kết quả khả quan với việc nhiều dự án được khởi động trở lại, cùng với đó là mặt bằng lãi suất đang có xu hướng giảm... TPS kỳ vọng, giao dịch trên thị trường sôi động hơn trong quý I/2024.