Nhiều doanh nghiệp vi phạm đất đai bị “bêu tên”

0:00 / 0:00
0:00
Hàng loạt doanh nghiệp vi phạm pháp luật đất đai, chậm đưa đất vào sử dụng tại Đồng Nai và Hà Giang đã được công bố công khai, trong đó có những trường hợp bị thu hồi đất hoặc kiến nghị thu hồi đất...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Qua rà soát, tập hợp báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố công khai danh sách tình trạng vi phạm pháp luật đất đai của các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Hà Giang và Đồng Nai.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 1430/BTNMT-TCQLĐĐ về tiếp tục công bố công khai các trường hợp vi phạm theo quy định tại Điều i Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013; Sở Tài nguyên và Môi trưởng tỉnh Đồng Nai đã rà soát và vừa có Văn bản báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố công khai các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai (đợt 1 năm 2022).

Cụ thể, tại Đồng Nai, có 4 trường hợp vi phạm pháp luật đất đai (đợt 1 năm 2022) do chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng.

Đó là dự án tổng kho xăng dầu xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch của Công ty Cổ phần Vật tư xăng dầu COMECO với tổng diện tích 20 hécta. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2124/QĐ-UBND thu hồi đất do người sử dụng tự nguyện trả lại đất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tình trạng lãng phí đất đai được quan tâm chỉ đạo, rà soát, xử lý. Đến nay cả nước đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, rà soát, thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất với diện tích 16.000 ha; yêu cầu đưa vào sử dụng gần 53.000 ha; chấm dứt chủ trương đầu tư 7.700 ha...

Dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạch và sản xuất phân hữu cơ tại xã Túc Trưng, huyện Định Quán của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại xây dựng Đa Lộc (nay là Công ty Cổ phần thương mại xây dựng Đa Lộc) với tổng diện tích 0,3133ha.

Dự án Khu dân cư, dịch vụ và cù lao Tân Vạn tại thành phố Biên Hòa của Công ty Cổ phần Đầu tư Tín Nghĩa- Á Châu, với tổng diện tích 48,05 ha.

Cuối cùng là dự án xây dựng xưởng sản xuất tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gốm mỹ nghệ Hồng Hưng 2 với tổng diện tích 0,5 ha tại phường Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Cả 3 dự án vi phạm này đều đã được UBND tỉnh Đồng Nai ban hành các quyết định chấp thuận gia hạn thời gian sử dung đất 24 tháng.

Tại Hà Giang, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này cũng đã rà soát và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố công khai các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai. Theo đó, trên địa bàn có 7 trường hợp đang vi phạm pháp luật về đất đai được công khai và được cơ quan chức năng ra quyết định thu hồi đất hoặc kiến nghị thu hồi đất.

Cụ thể, theo Kết luận thanh tra của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Phú, có địa chỉ đất sử dụng vi phạm tại tổ 5, phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang đã vi phạm pháp luật về đất đai vì đã lấn chiếm 49.424 m2 đất. Cơ quan chức năng địa phương đã kiến nghị xử lý vi phạm, thu hồi diện tích đất.

Đối với trường hợp của Công ty Cổ phần lương thực Hà Giang có địa chỉ đất sử dụng vi phạm tại thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn. Theo kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, doanh nghiệp này vi phạm pháp luật về đất đai là không sử dụng đất trong thời gian dài (12 tháng liên tục). Công ty này đã bị UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định thu hồi đất số 2581/QĐ-UBND.

Bên cạnh công ty Cổ phần lương thực Hà Giang UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định thu hồi đất số 1764/QĐ-UBND với trường hợp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yên Bình, địa chỉ đất sử dụng vi phạm tại xã Tân Thành, huyện Bắc Quang. Theo Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Hà Giang, Công ty đã vi phạm Khoản 1,4, Điều 170 và Điểm a,e,h, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013.

Với trường hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Linh Quý, địa chỉ sử dụng đất có vi phạm tại dự án trồng rừng sản xuất tại Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên. Doanh nghiệp này không sử dụng đất trong 24 tháng không liên tục. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng địa phương đã kiến nghị xử lý vi phạm, thu hồi 2.908.000 m2 đất.

Các trường hợp tổ chức doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai còn lại bao gồm: Công ty Cổ phần Lâm Sinh Hà Giang, địa chỉ đất sử dụng vi phạm tại các xã Trung Thành, Minh Ngọc (huyện Vị Xuyên) và xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang; Hợp tác xã Ngàn Hoa và Hợp tác xã Dịch vụ Hoàng Bách, địa chỉ đất sử dụng vi phạm tại xã Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên cùng bị kiến nghị xử lý thu hồi đất.

Trong năm 2021, hàng loạt các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng đất vi phạm, sử dụng đất sai mục đích, không đưa đất vào sử dụng, chậm đầu tư...tại các tỉnh Điện Biên, Hà Tĩnh, Thnanh Hóa, Tiền Giang, Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai, Phú Thọ… cũng đã được công bố công khai thông tin.

Báo cáo công tác năm 2021 và nhiệm vụ năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tình trạng lãng phí đất đai được quan tâm chỉ đạo, rà soát, xử lý. Đến nay cả nước đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, rà soát, thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất với diện tích 16.000 ha; yêu cầu đưa vào sử dụng gần 53.000 ha; chấm dứt chủ trương đầu tư 7.700 ha. Vướng mắc về thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng được giải quyết đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Nguồn thu từ đất đến ngày 21/12/2021 đạt 172.250 tỷ đồng, chiếm 15,2% tổng thu ngân sách nội địa, cao gấp 3,5 lần năm 2015.

Tin cùng chuyên mục