Việc tháo gỡ kịp thời những vướng mắc để "hà hơi tiếp sức" cho thị trường hồi phục là rất cần thiết. Ảnh: Bảo Tín |
Công ty SSG2 cho biết, đã hơn 9 năm qua không thể tự thương lượng được với 3 hộ dân có khoảng 230 m2 đất trong lộ giới xây dựng đường đi bộ trên cao kết nối ga metro Thảo Điền (ga số 6) thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên với Dự án Khu chung cư Thảo Điền Pearl, số 12 Quốc Hương, phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức do Công ty làm chủ đầu tư.
Năm 2019, UBND TP.HCM đã có Văn bản số 60/TB-VP giao UBND Quận 2 rà soát pháp lý quy hoạch của cầu bộ hành kết nối Dự án Thảo Điền Pearl với ga số 6; và khẩn trương xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành để di dời các hộ dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện dự án như cam kết, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được.
Tổng công ty Đền bù giải tỏa thời gian qua cũng kiến nghị UBND TP.HCM xem xét giải quyết thủ tục giao đất tại Dự án Khu đô thị Đông Tăng Long, TP. Thủ Đức, nhưng mọi việc theo Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ "đang thực hiện giải quyết".
Dự án này trước đây đã được chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 4753/QĐ-UBND ngày 12/9/2016, sau đó vướng mắc thủ tục tiếp theo là giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Ngày 13/11/2018, UBND TP.HCM đã có văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì với các sở, ngành rà soát pháp lý dự án theo quy định về các dự án BT trên địa bàn Thành phố để tìm hướng tháo gỡ nhưng chưa xong.
Một trường hợp khác là Công ty CP Vĩnh Tiến kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thu hồi đất đối với phần đất chưa hoàn thành bồi thường để giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư thực hiện Dự án Khu sản xuất tập vở - văn phòng phẩm và kho bãi chứa hàng hóa tại Khu đô thị mới Nam Thành phố ở Phường 7, Quận 8. Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường phúc đáp là cũng đang nghiên cứu giải quyết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện những vướng mắc như này đã có 4 dự án được Sở Tài nguyên và Môi được hoàn thành việc giải quyết theo thẩm quyền của Sở. 7 dự án còn lại rơi vào rơi vào tình trạng đang tạm dừng giải quyết; kiến nghị không phù hợp với cơ sở pháp lý hiện tại; hoặc không thuộc trách nhiệm giải quyết của Sở.
Điển hình như Công ty CP Địa ốc Thảo Điền kiến nghị UBND TP.HCM ban hành quyết định giao đất đối với Dự án Chung cư nhà ở xã hội Nam Lý, TP. Thủ Đức; Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Him Lam đề nghị UBND Thành phố ban hành quyết định giao đất đối với Dự án Khu nhà ở Him Lam - dự án thành phần thuộc Dự án Khu đô thị Bắc Rạch Chiếc, TP. Thủ Đức.
Cả hai dự án này nằm trong Dự án hạ tầng kỹ thuật chính Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc do Công ty CP Địa ốc 10 làm chủ đầu tư. Đối với dự án hạ tầng kỹ thuật chính này, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đang thụ lý, chưa có kết luận điều tra, nên phải tạm dừng giải quyết.
Đứng trước tình hình trên, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, giải pháp để tháo gỡ nhanh các vướng mắc này là dự án nhà ở thương mại nào không thuộc diện bị rà soát pháp lý, không bị kiểm tra, thanh tra, điều tra thì đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo quyết liệt để các sở, ngành, quận, huyện, TP. Thủ Đức phối hợp chặt chẽ và khẩn trương để giải quyết.
Nhiều dự án xếp hàng chờ thẩm định, phê duyệt tiền sử dụng đất
Về phần mình, UBND TP.HCM phối hợp hoặc hoặc đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sớm có kết luận đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại thuộc diện phải rà soát về pháp lý hoặc phải kiểm tra, thanh tra, điều tra theo hướng rà soát, chấn chỉnh, bổ sung các thủ tục đầu tư xây dựng dự án còn thiếu và khâu mấu chốt là phải định giá đất phù hợp với giá thị trường để tính "tiền sử dụng đất" dự án.
Trong bối cảnh thiếu nguồn cung, sụt giảm nguồn cầu, sụt giảm giao dịch, mất thị trường, thiếu dòng tiền, khiến cho sức khỏe của ngành bất động sản rơi vào kiệt quệ, thì việc tháo gỡ kịp thời những vướng mắc để "hà hơi tiếp sức" cho thị trường hồi phục là rất cần thiết.