Vẫn còn nhiều thủ tục, chi phí bất hợp lý trong lĩnh vực thuế, hải quan. Ảnh: Gia Khoa |
Vẫn còn nhiều thủ tục, chi phí bất hợp lý
Theo ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (TWMTTQ), nhờ những nỗ lực đổi mới, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan nên thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 của ngành thuế đạt 1.019.041 tỷ đồng (bằng 105,2% dự toán); ngành hải quan đạt 297.082 tỷ đồng (tăng 5,04% so với năm 2016) và đặc biệt là đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hơn 560 nghìn doanh nghiệp, lực lượng quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Bình quân giai đoạn 2012 - 2017, mỗi năm khu vực này thu hút thêm 15,2% nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, tạo ra hơn 14 triệu việc làm. Năm 2017, riêng khối doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp 32,3% cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong lĩnh vực này. Ông Mẫn dẫn lại đánh giá của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết năm 2017 của ngành thuế: “Việc xây dựng chính sách thuế chưa theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, chưa đánh giá kỹ tác động, thiếu sâu sắc thực tế, thiếu phản biện, lắng nghe… Lỗ hổng rất lớn về chính sách, dẫn đến làm môi trường kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh, thất thu ngân sách, mất cán bộ...”.
Đối với ngành hải quan, khi tiếp nhận những vướng mắc về thủ tục hải quan và thuế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Chính sách vĩ mô tốt nhưng vào cụ thể thì lúng túng, báo cáo rất hay, nhưng nghe doanh nghiệp mới thấy thực tế không phải vậy…”.
Qua giám sát tại 12 cục thuế, cục hải quan, Ủy ban TWMTTQ nêu ra thực tế, hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực thuế, hải quan còn nhiều, chưa thật sự đồng bộ, còn chồng chéo, dẫn đến việc triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn. Một số công chức trong thực thi công vụ cá biệt còn có biểu hiện gây phiền hà, bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Công tác kiểm tra chuyên ngành còn nhiều bất cập, nhất là từ phía các bộ, ngành mà trước hết là việc các bộ, ngành chậm sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành làm ảnh hưởng lớn đến thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, trong 2 hội nghị gần đây về logistics và xuất khẩu, Thủ tướng đều nói tới chi phí logistics của Việt Nam rất cao, hiện nay chiếm khoảng 21% GDP, có thời kỳ 25 - 30% GDP, có một phần nguyên nhân là do thủ tục hải quan, thông quan. Ông Thanh cho rằng, chi phí này cần giảm xuống dưới 20% và để giảm được thì cần có cải thiện trong thủ tục hải quan, thông quan.
Còn theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, doanh nghiệp vẫn phải chịu nhiều loại phí, ví dụ như khi xuất khẩu, các hãng tàu đưa ra nhiều loại phí không hợp lý, như phí mất cân bằng container, khi mất cân bằng mới thu nhưng khi không mất cân bằng vẫn thu, doanh nghiệp kiến nghị mới dừng. Ông Cẩm cũng cho rằng phí cảng biển Hải Phòng còn cao, đề nghị rà soát lại ở mức hợp lý. Ngoài ra, nhiều cơ quan dù tiếp nhận kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp nhưng thời hạn phản hồi, giải quyết không rõ. Ông Cẩm lấy ví dụ về điều kiện nhập khẩu máy in là chủ doanh nghiệp phải có bằng cao đẳng trở lên hoặc tốt nghiệp một lớp đào tạo là bất hợp lý, Hiệp hội Dệt may kiến nghị sửa đổi cách đây vài năm rồi, dù cơ quan hải quan có ghi nhận nhưng chưa phản hồi, giải quyết…
Còn nhiều không gian cải thiện
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, đối với ngành thuế và hải quan, còn nhiều không gian cho sự cải thiện. Đó là tăng cường hiệu quả của hoạt động cung cấp thông tin về thủ tục hành chính, đối thoại với doanh nghiệp, nâng cao chất lượng của hoạt động tiếp nhận và giải quyết vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp…
Ủy ban TWMTTQ khuyến nghị Quốc hội nghiên cứu, cho phép xây dựng một luật để sửa đổi một số luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành theo hướng cho phép thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro để kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu có trọng tâm, trọng điểm.
Đối với kiểm tra an toàn thực phẩm, chỉ kiểm tra các chỉ tiêu liên quan đến an toàn thực phẩm, mở rộng phương thức kiểm tra trước khi nhập khẩu; miễn kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại vì không khả thi và không hiệu lực, hiệu quả; chỉ kiểm tra trong những trường hợp cần thiết khi có sự lợi dụng hình thức nhập khẩu thực phẩm dưới dạng phi mậu dịch.
Một số ý kiến đề nghị Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xem xét, thu gọn danh mục hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành, chi tiết tên hàng, có tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để kiểm tra, tránh sự chồng chéo giữa các bộ, tránh việc một mặt hàng chịu sự quản lý của nhiều bộ gây mất thời gian, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp…