![]() |
Cần tạo môi trường kinh doanh minh bạch về pháp lý, giảm chi phí tuân thủ, có tính kiến tạo phát triển, khuyến khích mạnh mẽ việc đầu tư, khởi nghiệp để khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Ảnh: Lê Tiên |
Tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8%, Bộ Tài chính được giao nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết về các cơ chế, chính sách phát triển đột phá khu vực kinh tế tư nhân.
Tại cuộc họp báo Bộ Tài chính tuần qua, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN tư nhân và Kinh tế tập thể cho biết, Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên tinh thần tổng hợp nhiệm vụ được Trung ương giao cho Bộ Tài chính, trong đó có nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân, Đề án Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; Đề án Phát triển doanh nhân Việt Nam.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng DN, nhận diện rõ những khó khăn trong thể chế, pháp luật và đưa ra giải pháp tháo gỡ phù hợp. Bộ Tài chính đã tổ chức đoàn công tác sang Trung Quốc học hỏi kinh nghiệm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời nghiên cứu mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản để hoàn thiện khung chính sách.
Theo bà Thủy, điểm đột phá của Dự thảo Nghị quyết lần này là thiết kế chính sách theo hướng phân tầng, phù hợp với từng nhóm DN, tích hợp nhiều nội dung quan trọng như Đề án Phát triển DN nhỏ và vừa, Đề án Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Dự thảo Nghị quyết sẽ đề xuất nhiều giải pháp mạnh mẽ, cụ thể về cải cách thể chế, chính sách tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là đất đai, tài chính cho khu vực tư nhân. Dự thảo sẽ đưa ra nhóm giải pháp hỗ trợ DN tư nhân lớn vươn lên dẫn dắt nền kinh tế, tham gia các dự án trọng điểm, phát triển công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng. Thêm vào đó, Dự thảo Nghị quyết có chính sách dành riêng cho DN nhỏ, siêu nhỏ; chính sách cho hộ kinh doanh nhằm tạo điều kiện phát triển ổn định, bền vững, hoạt động minh bạch, từng bước chuyển đổi sang mô hình DN.
Về chính sách phân nhóm DN, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, mỗi loại hình DN có đặc thù khác nhau nên cần các chính sách hỗ trợ phù hợp. Chẳng hạn, DN sản xuất mong được tiếp cận đất đai, mặt bằng để tổ chức sản xuất ổn định. DN đổi mới sáng tạo muốn được tiếp cận vốn nhanh hơn để có đủ nguồn lực áp dụng hoạt động đổi mới sáng tạo. Các DN quy mô nhỏ yếu thế cần có nhiều quỹ đầu tư để hỗ trợ tiếp cận vốn dễ dàng, mong muốn các ngân hàng thương mại, ngân hàng lớn tăng tỷ lệ cho vay tín chấp. Do đó, việc thiết kế chính sách phù hợp với từng loại hình DN sẽ mang lại hiệu quả tích cực.
![]() |
Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân thiết kế chính sách theo hướng phân tầng, phù hợp với đặc thù của từng nhóm doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi |
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, cần phân nhóm DN tư nhân, đồng thời có các chính sách thúc đẩy hợp lý đối với các DN quy mô vừa. Theo số liệu của cơ quan thống kê, đến cuối năm 2024, cả nước có khoảng 940.078 DN đang hoạt động, trong số đó, khoảng 94% có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Như vậy, khu vực kinh tế tư nhân đang thiếu vắng DN quy mô vừa, trong khi đây là nhóm DN có năng suất lao động và năng lực quản trị tốt, có tiềm năng trở thành DN lớn.
Các DN cỡ vừa và cỡ lớn sẽ có nhiều cơ hội hơn trong huy động nguồn lực tài chính, công nghệ và con người để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời, có khả năng tự đầu tư vào những dự án quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho DN. Do đó, cần có chính sách cụ thể để thúc đẩy các DN nhỏ vươn lên thành DN vừa và lớn. Với DN vừa và lớn, cần cơ chế đặt hàng trên nguyên tắc minh bạch và công bằng, trao cơ hội cạnh tranh bình đẳng cho DN trong nước dựa trên năng lực vốn và công nghệ, yêu cầu cao về sản phẩm.
Theo ông Bình, để quá trình phát triển DN tư nhân đạt kết quả, điều quan trọng là phải tạo môi trường kinh doanh minh bạch về pháp lý, giảm chi phí tuân thủ, có tính kiến tạo cho sự phát triển, khuyến khích mạnh mẽ việc đầu tư, khởi nghiệp kinh doanh. Đồng thời, cần thiết kế lại hệ sinh thái hỗ trợ DN dựa trên nguyên tắc của thị trường theo hướng xây dựng các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, đổi mới sáng tạo và đầu tư mạo hiểm, trường đại học, trường dạy nghề, các định chế về tài chính - tín dụng cho khởi nghiệp, phát triển những thị trường mới như thị trường khoa học công nghệ, sản phẩm trí tuệ… Hệ thống pháp luật cần bảo vệ quyền tài sản vật chất và phi vật chất, tạo môi trường kết nối, hợp tác nghiên cứu, kinh doanh giữa DN trong nước với nhau và với DN nước ngoài.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, cần hỗ trợ DN theo mức độ đóng góp cho ngân sách, việc làm và xã hội. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến 3 quyền của DN mà Tổng Bí Thư Tô Lâm đã đề cập đến là quyền sở hữu tài sản; quyền tự do kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm; quyền cạnh tranh bình đẳng. Đồng thời, phải kiến tạo một nền hành chính phục vụ doanh nghiệp như giải pháp mà Tổng Bí thư đã chỉ ra “đội ngũ công vụ phải có thái độ phục vụ, kỹ năng, trình độ “tinh nhuệ” hơn, không thể dùng cách quản lý như cũ”.
Góp ý về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, TS. Tô Hoài Nam cho rằng, để DN tư nhân phát triển, cần đồng bộ nhiều chính sách, trong đó cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, hoàn thiện khung pháp lý để bảo đảm pháp luật cho kinh doanh là rất quan trọng. Theo ông Tô Hoài Nam, nỗ lực tinh gọn bộ ngành ở Trung ương, hợp nhất, sắp xếp lại các địa phương sẽ tạo môi trường thuận lợi cho việc cải cách môi trường kinh doanh.