Bộ KH&ĐT đã tập trung nghiên cứu, tham mưu các giải pháp để chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội |
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT tại Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết TW6 của Đảng bộ KH&ĐT sáng ngày 4/1/2018.
Xây dựng khung pháp lý cho động lực tăng trưởng mới
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, năm 2017, các đơn vị của Bộ đã triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao; từng bước đổi mới tư duy, chuyển từ việc xây dựng kế hoạch, giao vốn hàng năm sang nhiệm vụ chính là tập trung nghiên cứu, tham mưu tổng hợp về xây dựng cơ chế, chính sách trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp kịp thời để chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn; đồng thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo đánh giá, việc xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch trong năm 2017 đã tạo được bước cải cách về thể chế, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch. Điều này đã góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước theo hướng Nhà nước kiến tạo và phục vụ. Theo đó, Nhà nước chỉ quy hoạch những ngành thiết yếu để kiến tạo sự phát triển theo cơ chế thị trường, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển, giảm bớt gánh nặng đầu tư công.
Các quy định của Luật Quy hoạch tăng cường liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Luật Quy hoạch cũng loại bỏ các quy hoạch sản phẩm và các giấy phép trái với quy luật của kinh tế thị trường. Đây cũng là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đảm bảo công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả.
Bên cạnh đó, trong năm 2017, Bộ KH&ĐT đã nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo định hướng mỗi đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lựa chọn phát triển thế mạnh riêng có nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi đơn vị, tạo động lực phát triển mới. Đây thực sự là bước đột phá được thể chế hóa, nâng cao hiệu quả và chất lượng của dòng vốn đầu tư vào nền kinh tế, tạo cú hích đồng bộ cho nền kinh tế chứ không chỉ đặc khu, thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết TW6 về xây dựng chính quyền địa phương.
Nhiều đổi mới trong công tác quản lý đầu tư
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh hiện nay, các cán bộ của Bộ cần phát huy truyền thống bề dày đóng góp của ngành KH&ĐT, thay đổi tư duy, đổi mới công tác quản lý nguồn vốn đầu tư phát triển, mạnh dạn cải tổ quan điểm, tiếp tục đổi mới trong tình hình mới.
Thời gian qua, Bộ đã xây dựng, triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Trong năm 2017, lần đầu tiên công tác kế hoạch của Ngành được triển khai thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Việc lập, tổng hợp, rà soát kế hoạch đầu tư công năm 2018 được thực hiện trên mạng theo đúng yêu cầu của Chính phủ. Cụ thể, 100% các bộ, ngành trung ương và địa phương, các vụ liên quan thuộc Bộ thực hiện việc lập, tổng hợp và rà soát trên Hệ thống, đảm bảo thực hiện đồng bộ việc lập, theo dõi, đánh giá kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; theo dõi toàn bộ quy trình xây dựng và triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; tiết kiệm và giảm thiểu được nhiều chi phí trong việc theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện dự án đầu tư công và kế hoạch đầu tư công.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế hoạch phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ cải cách hành chính, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý các dự án đầu tư công, bảo đảm sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã từng bước thực hiện chủ trương tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ. Đây cũng là môi trường, cơ hội để mỗi cán bộ, Đảng viên thay đổi tư duy, nhận thức, tự rèn luyện, vươn lên xóa bỏ những suy nghĩ, cách làm cũ, phương pháp cũ, thậm chí là quyền lợi cá nhân để từng bước học hỏi, bồi dưỡng và thích nghi với yêu cầu, nhiệm vụ mới.