Nhiều gói thầu chậm tiến độ do dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của hoạt động đầu tư, đấu thầu, đặc biệt là tiến độ, chất lượng của dự án. Nhiều dự án đã buộc phải giãn tiến độ, thậm chí chấm dứt hợp đồng sau quá trình dài thương thảo với nhà thầu. Nhiều nhà thầu đối diện với nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng, bị phạt do không thể đáp ứng tiến độ.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến các dự án tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến các dự án tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên

Chấm dứt hợp đồng, chậm tiến độ

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến các dự án tuyến đường sắt đô thị. Đơn cử như tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (tuyến số 1), trong năm 2020 với hai lần bùng phát dịch, khối lượng tổng thể chỉ đạt 82% (không đạt so với mục tiêu). Tại dự án này, do dịch Covid-19, suốt hơn 2 năm, việc huy động nhân sự (trong và ngoài nước) đã ảnh hưởng đến các gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP.HCM đến ga Ba Son) và CP2 (đoạn trên cao và depot). Việc các chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam làm ảnh hưởng nghiêm trọng tiến độ của các gói thầu này.

Đối với tuyến metro Bến Thành - Tham Lương (tuyến số 2), sức tàn phá của dịch còn nặng nề hơn. Tại dự án này, việc thương thảo về Phụ lục hợp đồng số 13 liên quan phát sinh cho công tác lập hồ sơ mời thầu và hỗ trợ công tác lựa chọn nhà thầu không thể tiến hành trực tiếp mà thực hiện qua văn bản (Liên danh tư vấn IC của Đức, Thụy Sĩ làm việc tại nhà do giãn cách xã hội). Sau nhiều lần thương thảo bất thành, TP.HCM đã phải chấm dứt hợp đồng, tìm nhà thầu tư vấn khác để thay thế.

Trước đó, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do tác động của dịch Covid-19, nhiều dự án lưới điện của các tổng công ty thuộc EVN cũng bị ảnh hưởng.

Cụ thể, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) có 21 dự án bị ảnh hưởng (12 dự án đường dây, trạm biến áp 220kV - 500kV và 9 dự án cải tạo trạm biến áp). Theo kế hoạch, có 3 dự án dự kiến đóng điện trong quý I/2020, 6 dự án đóng điện trong quý II/2020 và 2 dự án đóng điện trong quý III/2020, nhưng do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên phải lùi thời gian hoàn thành. Ngoài ra, một số dự án trọng điểm như đường dây 500kV (mạch 3) đã được EVN báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép giãn tiến độ hoàn thành, do một số gói thầu cung cấp vật tư thiết bị (VTTB) nhập khẩu được đánh giá có rủi ro cấp hàng chậm tiến độ.

Về các dự án lưới điện phân phối, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội có 7 dự án đường dây và trạm biến áp 110kV bị ảnh hưởng do có các gói thầu VTTB nhập khẩu.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc có 4 dự án bị ảnh hưởng. Tổng công ty Điện lực TP.HCM có 10 gói thầu VTTB nhập khẩu có thể chậm tiến độ giao hàng, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và sản xuất, kinh doanh.

Lo ngại bị mắc kẹt trong vận chuyển

Từ cuối tháng 5, đầu tháng 6/2021, hàng trăm bệnh viện công lập trên cả nước đang tập trung để tiến hành lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu mua sắm thuốc theo danh mục gerneric và vật tư tiêu hao cho 6 tháng cuối năm. Trong danh mục này, có rất nhiều gói thầu vật tư tiêu hao và thuốc được mời thầu trong sự lo lắng của cả bên mời thầu lẫn nhà thầu.

“Hàng trăm mặt hàng vật tư tiêu hao sử dụng trong bệnh viện đang bị kẹt ở khâu vận chuyển. Phía bệnh viện rất quan ngại về nguy cơ nhà thầu không cung ứng kịp thời danh mục thuốc, vật tư cần sử dụng. Từ đợt dịch đầu tiên bùng phát đến nay, có những mặt hàng do không tìm được nhà thầu cung cấp, đã phải tổ chức đấu thầu riêng đến 3 - 4 lần vẫn không thành”, đại diện một bệnh viện tại TP.HCM lo lắng.

Trong khi đó, nhà thầu thi công các công trình điện gió tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung cũng gặp khó khăn tương tự. Theo các nhà thầu, thời gian vận chuyển vật tư thiết bị của các nhà máy này bằng đường biển vào Việt Nam thời gian qua bị kéo dài.

Một chủ đầu tư tại Tây Ninh cho biết, đang đứng trước tình huống phải hủy thầu, phạt nhà thầu do hàng hóa bị gián đoạn từ nhà máy sản xuất, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do đại dịch. “Chúng tôi biết rằng đây là tình thế bất khả kháng, nhưng hiện không thể có giải pháp nào khác phù hợp hơn”, chủ đầu tư này chia sẻ.

Để gỡ vướng cho các dự án bị ảnh hưởng do dịch, nhiều địa phương đã yêu cầu nhà thầu xem xét các phương án sử dụng nguồn vật tư, thiết bị, nhân sự tại chỗ trong nước hoặc sử dụng các nhà thầu phụ trong nước đạt tiêu chí kỹ thuật của gói thầu và hợp đồng để tạm thay thế. Cùng với đó, yêu cầu nhà thầu xem xét phương án thử nghiệm, sử dụng, nhập khẩu thiết bị từ chi nhánh ở các nước mà tình hình dịch bệnh được kiểm soát và biện pháp hạn chế đã được nới lỏng để cung cấp VTTB cho dự án.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục