Nhiều gói thầu mua phân bón hạn chế nhà thầu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu cạnh tranh, song một số nhà thầu phản ánh, hồ sơ mời thầu (HSMT) nhiều gói thầu mua phân bón đang “dựng rào cản” để hạn chế nhà thầu tham dự.
Hồ sơ mời thầu Gói thầu Mua phân bón NPK ở Bình Thuận yêu cầu nhà thầu phải có đại lý phân phối phân bón trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Tiên Giang
Hồ sơ mời thầu Gói thầu Mua phân bón NPK ở Bình Thuận yêu cầu nhà thầu phải có đại lý phân phối phân bón trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Tiên Giang

Sáng 12/4, Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh (chủ đầu tư/bên mời thầu) tổ chức mở thầu Gói thầu Mua phân bón thúc cho vườn cây cao su kinh doanh và khai thác chế biến thuộc Dự án Chăm sóc vườn cây cao su hàng năm. Hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi trong nước, phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ. Gói thầu này sử dụng nguồn vốn sản xuất kinh doanh của Công ty và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cấp năm 2021. Theo Biên bản mở thầu, có 4 nhà thầu tham dự.

Đây chính là gói thầu bị phản ánh HSMT đưa ra các điều kiện hạn chế sự tham dự của nhà thầu. Cụ thể, HSMT yêu cầu: “Nhà thầu phải có hợp đồng tương tự như hợp đồng của gói thầu này (liên quan đến việc cung cấp phân bón cho vườn cây cao su của các công ty trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tại khu vực các tỉnh miền Trung)”. Nhà thầu nhấn mạnh, tiêu chí này đã làm mất cơ hội đối với nhà thầu có hợp đồng tương tự nhưng không liên quan đến việc cung cấp phân bón cho vườn cây cao su của các công ty trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tại khu vực các tỉnh miền Trung, vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu.

Lý giải về việc đưa ra tiêu chí này, bà Nguyễn Thị Thạch Quỳnh, cán bộ thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh cho rằng, khí hậu, đất đai ở khu vực miền Trung rất đặc trưng so với các khu vực khác nên phải chọn nhà thầu đã cung cấp phân bón cho vườn cây cao su của các công ty trực thuộc Tập đoàn tại khu vực các tỉnh miền Trung nhằm bảo đảm cây cao su sinh trưởng tốt.

Theo một chuyên gia về đấu thầu, lý giải của Bên mời thầu là không thỏa đáng, bởi tiêu chí đưa ra đã “dựng rào cản” với các nhà thầu chưa có hợp đồng tương tự cung cấp phân bón cho vườn cây cao su của các công ty trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tại khu vực các tỉnh miền Trung.

“Tiêu chí trong HSMT khu biệt, khoanh vùng một nhóm nhà thầu đã có hợp đồng tương tự cung cấp phân bón cho vườn cây cao su của các công ty trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tại các tỉnh miền Trung có cơ hội trúng thầu, còn các nhà thầu khác dù năng lực tốt cũng không có cơ hội”, vị chuyên gia nhìn nhận.

Chuyên gia này cho rằng, HSMT chỉ cần yêu cầu nhà thầu tham dự đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, không cần phải có hợp đồng tương tự như trên. Bởi trên thực tế, cây cao su hiện được trồng tại nhiều địa phương và nhiều đơn vị tham gia trồng. Việt Nam có nhiều nhà thầu cung cấp phân bón có năng lực thực hiện được Gói thầu.

Tương tự trường hợp trên, Gói thầu Mua sắm phân bón cho cây cao su năm 2021 thuộc Dự án Mua sắm phân bón cho cây cao su hàng năm do Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang Quảng Nam làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu cũng bị phản ánh “cài cắm” tiêu chí hạn chế sự tham dự của nhà thầu. Theo đó, HSMT quy định cứng hàm lượng, thành phần của sản phẩm dự thầu: “Hàm lượng dinh dưỡng có đầy đủ các chỉ tiêu sau (không thừa hoặc thiếu 1 hay nhiều chỉ tiêu chất lượng): Nts = 16%, P2O5 = 8%, K2Ohh = 16%; S = 1%; Ca = 1%; Mg = 1%. Nhà thầu cho rằng, với yêu cầu trên thì chỉ duy nhất sản phẩm của 1 doanh nghiệp có thể đáp ứng. Do đó, mặc dù chào hàng cạnh tranh nhưng bản chất giống như chỉ định thầu.

Trước đó, Gói thầu Mua phân bón NPK ở Bình Thuận cũng bị phản ánh hạn chế cạnh tranh khi HSMT “cài” tiêu chí nhà thầu phải có đại lý phân phối phân bón trên địa bàn tỉnh Bình Thuận khiến nhà thầu bị đánh trượt một cách oan uổng…

Để bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả trong đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định rõ, trong HSMT không được đưa ra bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Chỉ thị số 47/CT-TTg, Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT cũng nêu rõ, HSMT/hồ sơ yêu cầu tuyệt đối không đưa ra các nội dung mang tính định hướng, tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu hoặc cản trở sự tham gia của nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng; không đưa ra các tiêu chí đánh giá có tính chất cục bộ, địa phương mà chỉ nhà thầu tại địa phương đó mới đáp ứng được.

Tin cùng chuyên mục