Xuất khẩu là một điểm sáng duy trì động lực tăng trưởng của Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên |
Tăng trưởng vững vàng bất chấp sụt giảm thương mại toàn cầu
Trong Báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2019 được ADB công bố trước thềm tổng kết kinh tế quý III/2019, cơ quan này vẫn nhất quán với dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay là 6,8% và trong năm 2020 là 6,7%.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam lý giải, xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục kéo dài dẫn đến sụt giảm trong thương mại toàn cầu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu được dự báo giảm trong giai đoạn trước mắt. Tuy nhiên, tăng trưởng của Việt Nam vẫn sẽ duy trì vững vàng bất chấp sự suy thoái của môi trường bên ngoài nhờ cầu nội địa tiếp tục gia tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được duy trì. Triển vọng về tiêu dùng trong nước tiếp tục sáng sủa, được hỗ trợ bởi sự gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm và lạm phát duy trì ở mức thấp.
Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng Cơ quan thường trú ADB tại Việt Nam - cho biết, lạm phát bình quân được điều chỉnh xuống 3,0% trong năm 2019 và 3,5% cho năm 2020 (giảm so với mức tương ứng 3,5% và 3,8% được ngân hàng này dự báo trước đó - PV).
Ngoài ra, việc ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương hứa hẹn sẽ mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho các hoạt động thương mại và đầu tư lớn hơn. Những sửa đổi gần đây trong Luật Đầu tư công sẽ giúp cải thiện hoạt động đầu tư công bằng cách đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện để giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn.
Dù giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2019 và năm 2020, nhưng ADB cũng cảnh báo những rủi ro đáng kể. Đó là, căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu có thể khiến thương mại toàn cầu sụt giảm. “Nếu như xung đột thương mại - chủ yếu thông qua việc tăng thuế quan - biến thành cạnh tranh phá giá đồng tiền thì sẽ mang lại nhiều hệ lụy lớn hơn đối với thị trường tài chính quốc tế và tạo ra các rủi ro mới đối với nền kinh tế Việt Nam”, ông Eric Sidgwick cảnh báo.
Hai nhân tố tích cực quan trọng
Đánh giá về những điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm, ông Nguyễn Minh Cường nhấn mạnh 2 điểm sáng nổi bật.
Một là, vai trò của tiêu dùng nội địa mạnh lên trong thời gian qua. Điều này phản ánh Việt Nam đang có chuyển đổi mạnh mẽ về thu nhập của người dân. Tiêu dùng nội địa tăng cho thấy nhiều triển vọng tích cực khác của nền kinh tế như: lạm phát thấp, nhiều công ăn việc làm. Ngoài ra, việc Việt Nam đang nằm trong nhóm nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới tại thời điểm đầu năm 2019 là điểm sáng của nền kinh tế.
Hai là, xuất khẩu là một điểm sáng duy trì động lực tăng trưởng của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam xuất siêu ở mức thấp, nhưng đến 8 tháng thì mức xuất siêu tăng vọt lên (đạt 34 tỷ USD). Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam vẫn là Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc…
Đáng chú ý, ông Cường cho biết, theo quan sát của ADB từ các số liệu thống kê, xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) trong nước tăng lên nhiều. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các DN Việt Nam trong 8 tháng năm 2019 tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, cao gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung và cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng của khối DN FDI.
Dự báo xuất khẩu từ phía DN Việt Nam sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa trong những tháng còn lại của năm 2019 và năm 2020.
“2 tín hiệu này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang có những chuyển đổi cơ cấu mạnh mẽ từ việc phụ thuộc vào thị trường bên ngoài sang phụ thuộc nhiều vào thị trường trong nước, từ việc phụ thuộc vào các DN FDI sang phụ thuộc nhiều vào DN trong nước”, ông Cường khẳng định.