Đông Yên tăng giá làm nhiều doanh nghiệp Việt thêm nặng gánh vì lỗ tỷ giá. Ảnh: Tiên Giang st |
Có ý kiến cho rằng, Brexit như cú hắt hơi của thị trường chứng khoán. Rằng điều đó không nằm ngoài quy luật cứ vào mùa hè, sẽ luôn có điều tồi tệ diễn ra ở đâu đó, thị trường không có lý do gì để “nhấp nhổm”… Tuy nhiên, như một nhánh sông nhỏ, Brexit len lỏi và ảnh hưởng không ít đến các doanh nghiệp có các khoản vay ngoại tệ khi sự kiện này gần như trực tiếp tác động đến tỷ giá của các đồng tiền mạnh nhất thế giới hiện nay: USD, Yên Nhật (JPY), Nhân dân tệ, Bảng Anh, Euro…
Biến động đồng Yên Nhật có vẻ được chú ý hơn cả. Bởi lẽ, đồng Yên đã nhúc nhích tăng từ đầu năm đến nay. Nửa đầu năm 2016, đồng Yên tăng giá gần 17% so với tiền đồng và tăng gần 15% so với USD. Biến động này khiến nhiều doanh nghiệp có các khoản vay bằng Yên Nhật nhấp nhổm không yên khi thời gian trôi qua, hàng trăm tỷ đồng cứ bay mất khỏi báo cáo kết quả kinh doanh của công ty mà không sao ngăn được.
ACV - nguy cơ bay mất hàng nghìn tỷ đồng
Căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2015, tại thời điểm cuối năm 2015, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có số dư nợ vay ngắn và dài hạn 13.426 tỷ đồng. Trong đó, riêng các khoản vay bằng JPY có số dư nợ vay tính đến cuối năm 2015 là 70,6 tỷ JPY. Trong hơn nửa đầu năm (tính theo tỷ giá hiện tại JPY/VND là 220,74, tăng 17,5% so với đầu năm), khoản nợ của ACV đã phình to gần 2.300 tỷ đồng. Cũng cần biết, lợi nhuận trước thuế cả năm của ACV cũng chỉ ở mức 2.277 tỷ đồng. Nếu kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này không biến động nhiều, tỷ giá có thể “đổ sông đổ bể” mọi nỗ lực kinh doanh của ACV.
Năm 2015, đồng Yên tăng giá 3% đã khiến ACV phải hạch toán 666 tỷ đồng lỗ tỷ giá vào kết quả kinh doanh. Với biến động đồng Yên như hiện nay, hẳn Ban lãnh đạo ACV đang đứng ngồi không yên khi kết quả kinh doanh năm 2016 phụ thuộc rất lớn vào yếu tố khó lòng kiểm soát này.
Công bằng mà nói, ACV đã có giai đoạn tăng trưởng tương đối tốt từ 2012 - 2014, không chỉ nhờ vào số lượng hành khách tăng, mà còn nhờ nguồn thu tài chính dồi dào từ lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá. Giai đoạn đó, đồng Yên đã giảm giá sâu và mới bắt đầu hồi phục mạnh mẽ trong 2 năm trở lại đây.
Nhiệt điện Phả Lại - trò đùa của tỷ giá
Tại thời điểm cuối quý I/2016, số dư nợ vay bằng đồng Yên của Nhiệt điện Phả Lại là 22,2 tỷ JPY.
Theo tính toán của chúng tôi, trong năm 2015, cứ mỗi 1% tăng lên của tỷ giá JPY/VND, Nhiệt điện Phả Lại sẽ gánh trên 41 tỷ đồng lỗ tỷ giá. Cũng nhắc lại, từ đầu năm tính đến thời điểm hiện tại (5/7/2016), đồng Yên đã tăng giá 17,5% so với đồng Việt Nam.
Cũng như ACV, Nhiệt điện Phả Lại có kết quả kinh doanh trồi sụt không ổn định do ảnh hưởng lớn của biến động tỷ giá. Nếu loại bỏ biến động tỷ giá, quý I/2015, doanh nghiệp này lãi trước thuế khoảng 106 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 624,2 tỷ đồng mà ĐHCĐ thường niên 2015 đặt ra, rõ ràng Nhiệt điện Phả Lại phải nỗ lực rất nhiều trong thời gian tới.
Với Nhiệt điện Phả Lại, rõ ràng việc sản xuất kinh doanh không chỉ cần “trông trời, trông đất, trông mây”, mà còn phải thường xuyên để ý đến diễn biến của đồng tiền nước Nhật.