Ông Phan Sơn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Thiên Hoàng |
Khi thương thảo hợp đồng, nhà thầu phải nộp các tài liệu gốc để đối chiếu với hồ sơ dự thầu. Để có các loại tài liệu này, nhà thầu cần có đủ thời gian sắp xếp, chuẩn bị. Tuy nhiên, tại một số cuộc thầu, khoảng thời gian từ khi nhà thầu nhận được thư mời thương thảo đến thời điểm diễn ra cuộc họp thương thảo lại quá ngắn, khiến nhà thầu rất bị động, dẫn đến thiệt hại khi bị mất hợp đồng một cách đáng tiếc. Đơn cử như gói thầu tại Hà Giang, thư mời thương thảo được Chủ đầu tư ký phê duyệt ngày 29/11/2021, thời điểm Nhà thầu nhận được văn bản thông qua đơn vị chuyển phát là 10h45 ngày 2/12/2021, thời điểm diễn ra cuộc thương thảo là trước 13h30 ngày 2/12/2021 tại Hà Giang. Với việc Chủ đầu tư ấn định thời gian thương thảo quá gấp, cùng với khoảng cách địa lý (Nhà thầu có trụ sở tại Hà Nội), nên việc tiến hành thương thảo là bất khả thi. Trên thực tế, Nhà thầu đã bị trượt thầu tại gói thầu này.
Theo đó, khi đưa ra thời hạn thương thảo, chủ đầu tư/bên mời thầu cần linh động, hài hòa điều kiện giữa các bên. Với những gói thầu quy mô nhỏ, hàng hóa phổ thông, đơn giản, thay vì yêu cầu thương thảo trực tiếp, Chủ đầu tư có thể tạo điều kiện đối chiếu, thương thảo thông qua các hình thức gián tiếp. Nhất là trong trường hợp chủ đầu tư và nhà thầu là các đơn vị có khoảng cách địa lý xa xôi, cùng với tác động của dịch bệnh... Hình thức này là phù hợp trong bối cảnh công nghệ phát triển hiện đại, các đơn vị, ban ngành đều đang đẩy mạnh triển khai số hóa, sử dụng tối đa nguồn lực công nghệ thông tin và nền tảng mạng Internet như hiện nay.