Qua thanh tra 6 chủ đầu tư tại Lào Cai đã phát hiện vi phạm gây thất thoát hơn 95 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Ảnh: Thành Tâm |
Thất thoát ngân sách hơn 95,2 tỷ đồng
Trong kết luận thanh tra, những hành vi sai phạm của một số doanh nghiệp (DN) khai thác, chế biến khoáng sản ở Lào Cai như báo giá thấp, khai giảm số lượng để trốn thuế mang lại lợi nhuận cao cho DN và thất thu ngân sách nhà nước tồn tại nhiều năm đã bị cơ quan chức năng phát hiện.
Về thực hiện nghĩa vụ tài chính, giai đoạn từ 2008 - 2011, UBND Tỉnh không ban hành quyết định tính hệ số quy đổi khối lượng từ quặng thành phẩm hoặc quặng tuyển ra quặng nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường, gây thất thoát ngân sách nhà nước, vi phạm quy định tại Nghị định số 63/2008/NĐ-CP và Thông tư số 67/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
UBND tỉnh Lào Cai còn cho phép một số chủ đầu tư khai thác tận thu khoáng sản vượt thời hạn 3 năm so với quy định. Mặt khác, qua thanh tra tại 6 chủ đầu tư, đã phát hiện việc quản lý nguồn thu tài chính từ hoạt động khoáng sản đang còn nhiều khuyết điểm, vi phạm, gây thất thoát ngân sách nhà nước với số tiền hơn 95,2 tỷ đồng.
Xử lý về tài chính, Thanh tra Chính phủ yêu cầu xem xét, thu hồi về ngân sách nhà nước tổng số tiền sai phạm hơn 82,9 tỷ đồng.
Tồn tại nhiều vi phạm, hiệu quả kinh tế thấp
Hiện Lào Cai có 13 dự án khoáng sản được giới thiệu địa điểm với diện tích vượt so với quy hoạch là 196,77 ha vào đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp và các loại đất khác; có 11 dự án khai thác khoáng sản nằm ngoài quy hoạch với diện tích 65,41 ha. Ngoài ra, có 31 dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, với tổng diện tích 101,76 ha, trong quy hoạch chỉ thể hiện điểm mỏ không có diện tích quy hoạch, ranh giới.
Đặc biệt, một số khai trường của Công ty Apatit Việt Nam đã khai thác nhiều năm, nhưng hiện vẫn chưa thực hiện cắm mốc và bàn giao mốc giới tại một số khu vực khai thác. Bên cạnh đó, TTCP còn xác định công ty này vẫn khai thác quặng Apatit tại một số khai trường khi giấy phép đã hết hạn.
Đối với Công ty TNHH Xây dựng, Thương mại Lilama, UBND Tỉnh cho phép Công ty thực hiện dự án nhà hàng, khách sạn, nhưng thực tế đã khai thác apatit trái phép.
Việc quản lý và khai thác khoáng sản thiếu chặt chẽ, nhất là việc chấp hành chính sách, pháp luật về hoạt động khoáng sản, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, quản lý tài chính thiếu chặt chẽ, có nhiều dự án đầu tư về khoáng sản không hiệu quả, dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc quản lý và khai thác khoáng sản, gây lãng phí tài nguyên và khoáng sản của Nhà nước.
Những tồn tại, khuyết điểm, sai phạm nêu trên, theo Thanh tra Chính phủ, về khách quan là do một số quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản và liên quan đến hoạt động khoáng sản trước đây chưa cụ thể, thiếu chặt chẽ dẫn đến khi triển khai thực hiện UBND tỉnh Lào Cai và các cơ quan chuyên môn gặp nhiều lúng túng, thiếu sót.
Về chủ quan, nguyên nhân của những tồn tại nêu trên là do việc triển khai thực hiện một số quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý, khai thác khoáng sản của UBND tỉnh Lào Cai và các cơ quan chức năng trong giai đoạn 2005 - 2015 còn chậm, chưa đồng bộ và thiếu chặt chẽ. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản chưa thường xuyên, hiệu quả thấp. Một số chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về nghĩa vụ tài chính và môi trường trong hoạt động khoáng sản.