Hiện có tới 6.000 container phế liệu tồn đọng tại các cảng trên cả nước. Ảnh: Tường Lâm |
6 tháng đầu năm 2018, lượng phế liệu nhập khẩu (NK) tăng đến 200% so với cùng kỳ năm 2017, 6.000 container phế liệu tồn đọng tại các cảng. Thực trạng này đang đặt ra yêu cầu cấp bách phải siết chặt quản lý.
Dùng hơn 1.000 bộ hồ sơ giả để thông quan
Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan vừa lập hồ sơ khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Xuất nhập khẩu Đức Đạt (Công ty Đức Đạt), địa chỉ tại huyện Yên Khánh, Ninh Bình, về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, trong thời gian từ 7/1/2017 đến 31/3/2018, Công ty Đức Đạt đã đăng ký 1.526 tờ khai NK phế liệu nhựa tại 3 Cục Hải quan TP. Hải Phòng, TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; đã làm thủ tục thông quan xong 1.355 tờ khai.
Đáng chú ý, mỗi bộ hồ sơ NK nhựa phế liệu của Công ty Đức Đạt có: Giấy chứng nhận đủ điều kiện NK; xác nhận phong tỏa tài khoản; giấy thông báo lô hàng phế liệu NK để kiểm tra, thông quan... Thế nhưng, với hơn 1.000 bộ hồ sơ NK nhựa phế liệu, doanh nghiệp (DN) này chỉ sử dụng một giấy chứng nhận đủ điều kiện NK phế liệu do Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình cấp.
Tiếp tục điều tra, Hải quan xác định toàn bộ giấy chứng nhận, thông báo và các xác nhận phong tỏa số tiền ký quỹ mà Công ty Đức Đạt cung cấp cho cơ quan hải quan là giả mạo.
Kết quả điều tra và những chứng cứ, tài liệu thu thập được về vi phạm của Công ty Đức Đạt cho thấy, từ ngày 21/7/2017 đến 22/11/2017, Công ty Đức Đạt đã sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả gồm: Giấy chứng nhận đủ điều kiện NK phế liệu số 1094/GCN-STNMT ngày 14/9/2015, các văn bản thông báo lô hàng phế liệu NK để kiểm tra, thông quan qua Cảng Sài Gòn khu vực 1, khu vực 3 - TP. Hồ Chí Minh và Cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 635 tờ khai với tổng khối lượng hơn 13.000 tấn, tổng trị giá theo khai báo là 35,5 tỷ đồng.
Sau khi xác định vụ việc có dấu hiệu của tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định tại Điều 154 Bộ luật Hình sự năm 1999, Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Cục Điều tra chống buôn lậu đã ra Quyết định số 07/QĐ-ĐTCBL và Quyết định số 08/QĐ-ĐTCBL ngày 17/7/2018 về việc khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Xuất nhập khẩu Đức Đạt về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ.
Có hiện tượng doanh nghiệp làm giả giấy tờ
Trao đổi với báo chí về vi phạm của Công ty Đức Đạt, ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu chia sẻ, một trong những vấn đề khó trong quản lý là thủ đoạn làm giả giấy tờ, mượn pháp nhân của DN NK.
“Đây là hiện tượng đang xuất hiện ở một số DN khác. Cục đang trong quá trình điều tra, hiện chưa tiết lộ danh tính và các DN này đang có tình trạng né tránh cơ quan chức năng. Tôi chưa dám dùng từ DN “bỏ trốn”, nhưng DN tránh né, gây khó khăn trong quá trình điều tra”, ông Nguyễn Khánh Quang cho biết.
“Theo quy định, DN ban đầu chỉ nộp bản sao chứng thực hoặc bản photocopy các giấy tờ, tài liệu. Bởi vậy, để kết luận, cơ quan chức năng phải thu thập bản chính. Đây là quá trình không đơn giản” - ông Quang chia sẻ.
Siết chặt điều kiện nhập khẩu phế liệu
Đối với kiểm tra điều kiện xuất nhập khẩu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho rằng, cơ quan chức năng không phát hiện ngay được DN nào được ngành tài nguyên và môi trường cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về môi trường trong NK phế liệu, vì hiện chưa có thông tin đầy đủ trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Ông Thành cho biết, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp trên Cổng thông tin danh sách DN đủ điều kiện cũng như giấy thông báo lô hàng NK để hải quan có cơ sở đối chiếu. Tuy nhiên, tới ngày 27/7 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới cung cấp danh mục của Bộ với hơn 200 DN đủ điều kiện NK phế liệu. Danh sách DN tại địa phương thì chưa được các sở tài nguyên và môi trường cung cấp.
Ngoài ra, theo Khoản 2 Điều 76 Luật Bảo vệ môi trường, để NK phế liệu, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các yêu cầu sau: Có kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu bảo đảm điều kiện về bảo vệ môi trường; có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu, xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.