Thực hiện các giải pháp TKNL cho 2 trong số 6 tổ máy có thể giúp Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại tiết kiệm gần 1,91 triệu USD/năm. Ảnh: Lê Tiên |
Đầu tư vào các công ty dịch vụ năng lượng là một trong những lĩnh vực đang khởi sắc, góp phần đẩy mạnh sử dụng hiệu quả và TKNL.
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng to lớn
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm TKNL TP.HCM thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nhấn mạnh: “Tiềm năng đầu tư vào hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam là rất lớn. Chúng ta cứ đụng vào đâu là có thể TKNL được tới đó, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp”. Theo ông Tước, tiềm năng TKNL trong công nghiệp khoảng 20%; lĩnh vực xây dựng, tòa nhà, giao thông vận tải khoảng 25 - 35%; sinh hoạt và hoạt động dịch vụ khoảng 15 - 30%.
Tại 10 DN được lựa chọn kiểm toán như: Công ty CP Giấy An Hòa; Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam; Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại; Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng; Công ty CP Cao su Đà Nẵng; Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn..., kết quả kiểm toán năng lượng cho thấy, với việc thực hiện các giải pháp, các DN có tiềm năng tiết kiệm chi phí khoảng 70.000 USD/năm. Con số này tương ứng với tỷ lệ tiết kiệm 4,8% tổng tiêu thụ năng lượng, mức đầu tư dự kiến gần 200.000 USD, thời gian hoàn vốn 2,6 năm, cắt giảm 606 nghìn tấn CO2/năm.
Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại là một trong những nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất lớn nhất cả nước với 2 dây chuyền sản xuất điện, gồm 6 tổ máy có tổng công suất 1.040 MW. Kết quả kiểm toán năng lượng tại DN cho thấy, tiềm năng TKNL tại đơn vị rất lớn. Đơn vị kiểm toán đã đề xuất các giải pháp bao gồm: thay thế mới bộ sấy không khí cho lò hơi, lắp đặt biến tần cho động cơ bơm nước và sử dụng bơm nhiệt. Thực hiện các giải pháp TKNL cho một trong 4 tổ máy của dây chuyền 1 và một trong 2 tổ máy của dây chuyền 2 có thể giúp Công ty tiết kiệm gần 1,91 triệu USD/năm. Dự đoán lợi ích này sẽ lớn hơn nếu áp dụng cho tất cả 4 tổ máy của dây chuyền 1 và 2 tổ máy của dây chuyền 2.
Tương tự, tại Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, bằng việc thực hiện các giải pháp TKNL đề xuất cho nhà máy như: lắp đặt thêm bộ tách ở nhiệt độ cao - NHT; nâng cao hiệu quả của hệ thống bảo ôn/sơn phủ bên trong tường lò đốt CDU… với chi phí đầu tư dự kiến khoảng 78,2 triệu USD, Công ty có tiềm năng tiết kiệm được 27,3 Gcal/h nhiên liệu và 22,5 MW điện năng, tương đương 51,4 triệu USD/năm.
Thách thức đối với các công ty dịch vụ năng lượng
Nhìn từ tiềm năng TKNL trong các lĩnh vực công nghiệp, ông Tước cho rằng, thị trường các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) có tiềm năng rất lớn và đang khởi sắc với khả năng thu hồi vốn ngắn so với nhiều quốc gia. Tuy nhiên, đây cũng được xem là lĩnh vực đầu tư rủi ro cao với các ESCO. Lý do, ESCO là DN thương mại cung cấp một loạt các giải pháp năng lượng toàn diện (thiết kế, thực hiện các dự án TKNL, bảo tồn năng lượng, cho thuê cơ sở hạ tầng năng lượng, phát điện và cung cấp năng lượng, quản lý rủi ro) cho các DN có nhu cầu. Các khoản tiết kiệm chi phí năng lượng thường được sử dụng để trả lại vốn đầu tư của dự án.
Để trở thành một ESCO, DN cần phải có năng lực về tư vấn, phải thiết lập được mạng lưới hợp tác về tài chính, đảm bảo về tài chính cũng như thiết lập được mạng lưới cung cấp về công nghệ và giải pháp TKNL.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy đầu tư vào TKNL tại các DN thông qua mô hình ESCO, các chuyên gia cho rằng, do ESCO là mô hình đầu tư còn khá mới mẻ, còn không ít rào cản về thể chế và chính sách, khách hàng, tài chính, nguồn nhân lực, nên cần xây dựng cơ chế chính sách cho thị trường ESCO. Ngoài ra, cần ban hành các quy định về cấp chứng nhận; xây dựng các tiêu chí cho công ty ESCO; xây dựng các thể chế tín dụng cho ESCO; thiết lập các kênh hợp tác với các tổ chức tài trợ và các quỹ; xây dựng mô hình liên kết tài chính giữa DN với công ty ESCO và các tổ chức tín dụng.