Nhiều tín hiệu khả quan cho tăng trưởng nửa cuối năm

(BĐT) - Với điều kiện cả tổng cung và tổng cầu tiếp tục được cải thiện và hỗ trợ bởi chính sách và môi trường kinh doanh, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) dự báo tăng trưởng 2 quý cuối năm 2017 đạt lần lượt là 6,9 - 7,2% và 7,3 - 7,5%. Tăng trưởng kinh tế cả năm đạt khoảng 6,5 - 6,7%.
Giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được dự báo cải thiện trong những tháng cuối năm. Ảnh: Hoài Nam
Giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được dự báo cải thiện trong những tháng cuối năm. Ảnh: Hoài Nam

Tăng trưởng đang phục hồi rõ nét

Theo UBGSTCQG, tăng trưởng quý II/2017 phục hồi rõ nét sau khi giảm tốc đáng kể trong quý I. Loại trừ yếu tố mùa vụ, tăng trưởng đã tăng trở lại sau 2 quý liên tiếp giảm, góp phần đưa tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt mức khá 5,73.

Trên khía cạnh tổng cung, tăng trưởng khu vực nông, lâm, thủy sản, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành xây dựng và khu vực dịch vụ phục hồi tốt, trong khi ngành khai khoáng tiếp tục xu hướng giảm. Điểm sáng là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành xây dựng tăng trưởng khả quan. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2017 tăng 10,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,1%). Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm tăng trưởng 8,5%, sau khi tăng thấp 6,1% trong quý I.

Trên khía cạnh tổng cầu, các thành phần tổng cầu đều cho thấy chuyển biến, nhưng vẫn còn khiêm tốn. Tổng cầu cải thiện trước hết là cầu tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2017 (đã loại trừ yếu tố giá) tăng 8,4% so với cùng kỳ, ở mức cao nhất trong 6 năm qua.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ; tình hình đầu tư chuyển biến tích cực; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm tăng 10,5% so với cùng kỳ và bằng 32,9% GDP (tương đương cùng kỳ năm 2016).

UBGSTCQG cho rằng về tổng cung, các thành phần tăng trưởng đã liên tục cải thiện kể từ đầu năm 2013. Xu thế này được dự báo tiếp tục trong 2 quý cuối năm nhờ giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm nhờ tăng sản lượng sản xuất điện thoại, qua đó tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo có khả năng đạt 12 - 13% trong năm 2017. Thực tế, trong tháng 6, sản lượng điện thoại đã tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, cải thiện đáng kể so với mức giảm 0,6% của 5 tháng đầu năm.

Ủy ban này cho biết, giá trị nhập khẩu máy móc thiết bị trong 6 tháng đầu năm tăng 37,8% so với cùng kỳ cũng cho thấy năng lực sản xuất sẽ được cải thiện trong 2 quý tới; chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 5 đạt 51,6, là tháng 18 liên tiếp đạt trên 50 điểm, ngưỡng cho thấy các điều kiện kinh doanh tiếp tục cải thiện trong lĩnh vực sản xuất. Như vậy, kết hợp với việc tăng khai thác dầu thô đóng góp khoảng 0,38 điểm % vào tăng trưởng, tăng trưởng sẽ cải thiện mạnh trong 2 quý cuối năm.

Về tổng cầu, xu thế cải thiện được dự báo sẽ tiếp tục trong 2 quý cuối năm, nhất là cầu tiêu dùng, cầu đầu tư và chi tiêu chính phủ khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được đẩy nhanh. 

Quan trọng nhất là khơi thông nguồn lực

Để huy động được nguồn lực từ trong dân, từ doanh nghiệp trong và ngoài nước, quan trọng nhất là Chính phủ phải gây dựng được niềm tin vào sự ổn định kinh tế vĩ mô, vào xã hội và rất quan trọng là niềm tin vào tư duy của người lãnh đạo.
Dù có nhiều chuyển biến rõ nét, nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%, thách thức trong nửa chặng đường còn lại của năm nay là rất lớn. Theo ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, trong bối cảnh một nước có trình độ phát triển thấp, quan trọng hàng đầu vẫn là huy động nguồn lực trong xã hội cho tăng trưởng. “Để huy động được nguồn lực từ trong dân, từ doanh nghiệp trong và ngoài nước, quan trọng nhất Chính phủ phải gây dựng được niềm tin vào sự ổn định kinh tế vĩ mô, vào xã hội và rất quan trọng là niềm tin vào tư duy của người lãnh đạo”, ông Cao Viết Sinh nhấn mạnh.

Đồng thời, theo ông Cao Viết Sinh, đi đôi với huy động nguồn lực, phải phân bổ nguồn lực một cách hợp lý trên cơ sở hiệu quả. Nguồn lực nhà nước phải thành vốn mồi để khu vực tư nhân cùng tham gia vào đầu tư.

Nhắc đến các giải pháp ngắn hạn trong nửa cuối năm 2017, ông Cao Viết Sinh cho rằng, quan trọng nhất là bảo đảm tín dụng cho nền kinh tế và đầu ra cho sản xuất kinh doanh.

Một số chuyên gia cũng lưu ý, tín dụng cho nền kinh tế phải đi đúng địa chỉ, vào sản xuất kinh doanh, từ đó mới có thể hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng. Cần cẩn trọng vì tín dụng vào bất động sản có thể biến tướng, khó kiểm soát, thay vì cho chủ đầu tư vay, bị tính là tín dụng bất động sản, giờ cho người mua nhà vay sẽ là tín dụng tiêu dùng. Từ đó, trên bảng cân đối nhìn tín dụng bất động sản thấp nhưng thực tế có thể lớn hơn.