Nhiều vấn đề gây bức xúc trong nhân dân

(BĐT) - Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kiến nghị giải quyết nhiều vấn đề “nóng” đã được cử tri cả nước gửi đến Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV. Nổi bật là chất lượng xây dựng hệ thống pháp luật; vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường của Formosa hay việc người dân đang phải trả phí quá cao cho một số trạm BOT...
Nhiều ý kiến cử tri bức xúc về việc thu phí tại các dự án BOT chưa minh bạch. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều ý kiến cử tri bức xúc về việc thu phí tại các dự án BOT chưa minh bạch. Ảnh: Lê Tiên

Quan tâm đến chất lượng làm luật

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, gửi ý kiến kiến nghị tới Quốc hội trong Kỳ họp thứ nhất khóa XIV, nhiều cử tri quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Quốc hội. Mặc dù ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Quốc hội khóa XIII trong việc xây dựng và thông qua Hiến pháp năm 2013 và hệ thống văn bản pháp luật, nhưng cử tri và nhân dân cho rằng vẫn còn một số hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua cần khắc phục. Việc thực thi pháp luật ở nhiều nơi chưa nghiêm túc. Công tác phối hợp nghiên cứu, xây dựng luật, pháp lệnh còn chưa chặt chẽ, dẫn đến một số văn bản, quy định ban hành chất lượng chưa cao, thậm chí còn nhiều sai sót. Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp trong một số lĩnh vực còn hạn chế, yếu kém.

Phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: Trong thời gian tới, Quốc hội cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi để tiếp tục thể chế hóa cương lĩnh chính trị, các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước. “Muốn thế cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, phân tích, nắm chắc thực tiễn cuộc sống, đồng thời nâng cao hơn nữa năng lực và chất lượng hoạt động lập pháp, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm tốt hơn tính dân chủ, pháp chế, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu.

“Nóng” vấn đề đầu tư và môi trường

Mặc dù vụ việc Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) che giấu việc xả thải gây ô nhiễm môi trường và gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung đã được Chính phủ chỉ đạo xác minh, kết luận và công khai nguyên nhân, nhưng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cử tri và nhân dân vẫn tiếp tục đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương cần có các giải pháp tích cực, cụ thể hơn nữa để giải quyết hậu quả trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường, bảo đảm cuộc sống của người dân và sự phát triển của địa phương; giám sát Formosa thực hiện đầy đủ các cam kết; đồng thời chỉ đạo rà soát việc thực thi các quy định pháp luật về cấp phép đầu tư, đánh giá tác động môi trường, quản lý và giám sát hoạt động của  doanh nghiệp. Cử tri và nhân dân cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã buông lỏng trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư và bảo vệ môi trường.

Cùng với sự cố xả thải của Formosa, cử tri cả nước còn quan tâm tới hiểm họa xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu gây tác hại nghiêm trọng trong một thời gian dài như hạn hán trên diện rộng ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, thiếu nước và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII nhận diện: “Sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại vùng biển ở một số tỉnh miền Trung, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn ở nhiều tỉnh, thành phố đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống người dân”.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đánh giá: “Tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%, là mức rất thấp so với chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% theo Nghị quyết của Quốc hội; các chỉ số về tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nông, lâm nghiệp và thủy sản, kim ngạch xuất khẩu đều thấp; việc kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong những tháng cuối năm chịu nhiều áp lực; tiến độ thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm; nợ công và nợ xấu ngân hàng vẫn ở mức cao; việc quản lý, sử dụng tài sản công còn lãng phí”.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, một số dự án, công trình quy mô lớn đầu tư còn kém hiệu quả, lãng phí, thất thoát; vấn đề quản lý đầu tư, khai thác thu phí tại các dự án BOT chưa minh bạch, đang gây không ít bức xúc cho người dân.

Tin cùng chuyên mục