Nhiều yếu tố hỗ trợ kiềm chế lạm phát

(BĐT) - Giữa những quan ngại về biến động giá cả hàng hóa, dịch vụ, diễn biến khó lường về địa chính trị thế giới, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 5 tháng đầu năm nay đã được kiềm chế ở mức thấp. Từ đó, tạo tiền đề cho nỗ lực đạt mục tiêu cả năm đã được Chính phủ đặt ra.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Yếu tố tích cực áp đảo yếu tố tiêu cực

Từ đầu năm đến nay, đã có nhiều yếu tố tác động đến lạm phát từ cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Các yếu tố không thuận lợi với việc kiềm chế CPI là việc tăng giá các mặt hàng đầu vào thiết yếu của hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Đáng chú ý nhất là quyết định tăng giá điện 8,36% được áp dụng từ ngày 20/3 và 4 lần tăng giá xăng dầu từ đầu năm đến ngày 2/5.

Ở chiều ngược lại, CPI được kiềm giữ ở mức thấp nhờ các yếu tố hỗ trợ từ cả thị trường hàng hóa, dịch vụ và công tác điều hành giá của Chính phủ. Trong đó, giá lương thực, thực phẩm được giữ ở mức thấp, thậm chí một số mặt hàng như thịt lợn, gạo giảm giá. Bên cạnh đó, sau 4 đợt tăng, giá xăng dầu đã có 3 đợt giảm giá liên tục từ cuối tháng 5 đến nay. Các bước điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và tăng lương cơ bản cũng được chọn lựa thời điểm phù hợp để tránh tăng giá đồng thời với các mặt hàng khác.

Kết quả là, bình quân 5 tháng đầu năm 2019, CPI tăng 2,74% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Đánh giá về diễn biến của CPI trong những tháng đầu năm, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Bộ Tài chính cho rằng, dù có một số lực đẩy tưởng như bất lợi nhưng thực tế vẫn còn một số yếu tố hỗ trợ tốt cho việc kiềm giữ CPI.

Về những tháng còn lại của năm nay, ông Độ phân tích: “Mức tăng giá điện đã “ngấm” vào CPI các tháng đã qua nên không còn nhiều tác động trong những tháng tiếp theo. Việc điều chỉnh giá cả một số loại dịch vụ thiết yếu đã được cân nhắc thời điểm nên tác động sẽ không lớn. Như vậy, gần như không còn điều gì đáng quan ngại với mục tiêu kiềm giữ CPI cả năm nay của Chính phủ. Các yếu tố tích cực đang áp đảo các yếu tố tiêu cực. CPI năm nay thậm chí còn có thể thấp hơn năm ngoái”. 

Đánh giá về ảnh hưởng của việc đồng nhân dân tệ giảm giá, biến động của tỷ giá USD/VND với lạm phát của Việt nam, vị Phó Viện trưởng nói: “Đồng tiền của Việt Nam đã và đang được điều chỉnh linh hoạt. Về một số quan điểm cho rằng nhân dân tệ đang giảm giá đáng kể và tác động đến VND, theo tôi, họ đang thổi phồng tác động đó. Nên nhớ, năm 2018, nhân dân tệ từng giảm giá khoảng 10% so với USD nhưng trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND chỉ tăng hơn 2%. Đây cũng là mức điều chỉnh tỷ giá dự kiến cho cả năm nay. Điều này thuận lợi cho công tác điều hành các chính sách vĩ mô, ổn định kinh tế và đặc biệt là kiềm chế lạm phát”. 

Chú trọng tác động lâu dài

Đồng tình với ý kiến phân tích trên, TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát bình quân 5 tháng đầu năm ở mức 2,74% vừa phản ánh đúng diễn biến trên thị trường giá cả hàng hóa, dịch vụ, vừa là kết quả của công tác điều hành của Chính phủ.

“Áp lực từ thị trường trong nước và quốc tế trong năm 2019 sẽ không quá mạnh mẽ, tiêu cực như năm 2018. Do đó, mặt bằng giá của Việt Nam chủ yếu sẽ chịu những tác động từ các yếu tố trong nước như: điều chỉnh giá dịch vụ công, điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá như điện, dịch vụ y tế, phí bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc điều hành giá các mặt hàng này đã rất tích cực và hiệu quả với mục tiêu kiềm chế CPI. Một số ý kiến dự đoán, CPI năm nay chỉ tăng từ 3,3 - 3,6%. Theo tôi, mức dự báo đó là phù hợp”, ông Long nói.

Về CPI từ nay đến cuối năm, theo ông Long, ẩn số lớn nhất là giá xăng dầu nhưng điều đáng mừng là mặt hàng này đang có xu hướng giảm trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, vẫn cần đưa ra các kịch bản điều hành phù hợp. Bên cạnh đó, yếu tố có thể gây tác động bất thường là giá cả mặt hàng thịt lợn do biến động về nguồn cung nên cần cẩn trọng.

Ông Long cũng cho rằng, về lâu dài, cần chú trọng việc kiềm chế lạm phát qua việc nâng cao năng suất sản xuất chứ không chỉ trông chờ vào các biện pháp hành chính và sự may mắn từ thị trường bên ngoài.

“Năng suất sản xuất cao vừa giúp giảm giá cả hàng hóa lại vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hai yếu tố này nên tương trợ lẫn nhau để kết quả của kiềm chế lạm phát được duy trì bền vững”, ông Long nói.