Tính từ đầu năm đến nay, SCIC mới hoàn thành thoái vốn tại 2 trong số 59 doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi |
Trong danh sách 59 doanh nghiệp thoái vốn năm 2024 của SCIC có một số doanh nghiệp đáng chú ý là Công ty CP FPT (mã chứng khoán: FPT) do SCIC sở hữu 5,75% vốn điều lệ (tương đương khoảng 839,8 tỷ đồng), Công ty CP Nhựa thiếu niên Tiền Phong (mã chứng khoán: NTP) do SCIC sở hữu 37,1% vốn điều lệ (tương đương hơn 528,7 tỷ đồng), Công ty CP Xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO (mã chứng khoán: DMC) do SCIC sở hữu 35% (tương đương khoảng 120,5 tỷ đồng), Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - CTCP (mã chứng khoán: SEA) do SCIC sở hữu 63% vốn điều lệ (tương đương khoảng 792 tỷ đồng)… Trong đó, FPT và Nhựa Tiền Phong đang là khoản đầu tư có giá trị trong TOP lớn nhất của SCIC.
Theo thống kê của phóng viên, tính từ đầu năm 2024 đến nay, SCIC mới hoàn thành thoái vốn tại 2 doanh nghiệp. Cụ thể, ngày 15/1/2024, SCIC hoàn thành bán toàn bộ 3,15 triệu cổ phần sở hữu tại Công ty CP Tập đoàn Vinacontrol (tương đương 30% vốn điều lệ), thu về hơn 171,71 tỷ đồng, cao hơn 445,1% so với mệnh giá. Bên cạnh đó, SCIC cũng bán thành công 840.910 cổ phần Công ty CP Phim truyện I với giá 8,87 tỷ đồng. Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 của SCIC ghi nhận 180,6 tỷ đồng doanh thu bán vốn và lợi nhuận tương ứng hơn 132,9 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2024 đến nay, SCIC tổ chức bán đấu giá 11.565 cổ phần Công ty CP Tư vấn xây dựng Bắc Kạn, 212.629 cổ phần Công ty CP GP9 Hà Nội, hơn 6,79 triệu cổ phần Công ty CP Sách Việt Nam, hơn 3,26 triệu cổ phần Công ty CP ACS Việt Nam, 864.942 cổ phần Công ty CP Đầu tư và Xây lắp thành phố Cần Thơ, nhưng không thành công. Ngoài ra, SCIC cũng tổ chức bán đấu giá quyền mua cổ phần tại Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ công cộng Bình Dương và Công ty CP Dược Khoa nhưng đều không thành công.
Đơn cử, vào tháng 6/2024, SCIC thông báo bán đấu giá 864.942 cổ phần Công ty CP Đầu tư và Xây lắp thành phố Cần Thơ (tương ứng 41,51% vốn điều lệ) với giá khởi điểm 62,39 tỷ đồng, cao gấp 7,2 lần mệnh giá. Tuy nhiên, kết thúc thời hạn đăng ký tham gia và nộp tiền cọc nhưng không thu hút được bất kỳ nhà đầu tư tham gia. Trước đó, tháng 5/2024, SCIC cũng rao bán số cổ phần trên nhưng không thu hút được nhà đầu tư tham dự.
Hay như tại Công ty CP Sách Việt Nam, SCIC đã 2 lần tổ chức bán đấu giá 10% cổ phần sở hữu tại doanh nghiệp này (hơn 6,79 triệu cổ phiếu) với giá khởi điểm 15.700 đồng/cổ phiếu, cao hơn 57% so với mệnh giá, nhưng đều không có nhà đầu tư tham gia.
Báo cáo của Bộ Tài chính đánh giá, tình hình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nửa đầu năm 2024 tiến triển chậm do vướng mắc liên quan đến sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất đai khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024, ông Nguyễn Cảnh Toàn - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đặt nhiệm vụ cho SCIC đẩy nhanh tiến độ sắp xếp nhà, đất tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ - CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP để triển khai bán vốn, đặc biệt là tại các doanh nghiệp quy mô lớn. Đồng thời, triển khai quyết liệt chỉ đạo của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả.
Lũy kế đến 30/6/2024, danh mục doanh nghiệp của SCIC có 112 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 53.306 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 182.891 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, SCIC ghi nhận 4.196 tỷ đồng doanh thu hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn. Trong đó, cổ tức và lợi nhuận được chia là 3.525 tỷ đồng, 180,6 tỷ đồng bán các khoản đầu tư, 486,3 tỷ đồng lãi thu tiền gửi và 4 tỷ đồng doanh thu khác. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.470 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023.