Phiên tòa sơ thẩm vụ Công ty Trường Ngân dùng khoảng 8.600 tấn cà phê, tạp chất lừa đảo, chiếm đoạt hơn 600 tỷ đồng của 7 ngân hàng. Ảnh: Công Thư |
Điều này đã từng xảy ra ở những năm trước và một lần nữa được nhắc lại với 2 vụ án mà Tòa án nhân dân (TAND) TP.HCM và TAND TP. Hà Nội đang xét xử.
Lỏng lẻo trong thẩm định tài sản thế chấp
Ngày 21/1, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Xuân Bình - nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty Trường Ngân, Nguyễn Đăng Sơn - nguyên Giám đốc Công ty Trường Ngân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ngoài ra, 3 bị cáo khác nguyên là cán bộ một ngân hàng tại TP.HCM cùng hầu tòa về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo cáo trạng, Công ty Trường Ngân chuyên mua bán lương thực, thực phẩm, chế biến nông sản với mặt hàng kinh doanh chủ đạo là cà phê. Từ năm 2010, Công ty Trường Ngân có quan hệ tín dụng với 7 ngân hàng trên địa bàn TP.HCM. Năm 2012, số lượng cà phê của Công ty không đủ cầm cố, thế chấp đảm bảo dư nợ cho 7 ngân hàng. Tuy nhiên, Bình vẫn chỉ đạo Sơn sử dụng số hàng hóa là cà phê đã thế chấp tại ngân hàng này tiếp tục thế chấp ở ngân hàng khác.
Hợp đồng thế chấp tại 7 ngân hàng ghi tổng số lượng hàng hóa gần 21.000 tấn cà phê. Trong khi, Công ty Trường Ngân chỉ có khoảng 8.600 tấn cà phê, tạp chất trong kho. Đến tháng 3/2017, cơ quan điều tra xác định trong kho của công ty này chỉ còn gần 1.300 tấn cà phê, 820 tấn tạp chất và gần 5.300 tấn cà phê hư hỏng. Với hành vi đó, Bình và Sơn đã chiếm đoạt hơn 600 tỷ đồng của các ngân hàng.
Những vụ việc tương tự từng xảy ra từ nhiều năm trước đó song nhiều ngân hàng vẫn không tránh được thất thoát tài sản do lỗi thiếu thận trọng trong thẩm định tài sản thế chấp.
Nhận xét về trường hợp vi phạm này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO nhấn mạnh, thiệt hại này chắc chắn do các cán bộ ngân hàng đã không theo dõi tài sản thế chấp một cách kỹ lưỡng và chặt chẽ. Chẳng hạn, ngân hàng phải biết trước, trong và sau khi được nhận thế chấp, tài sản đó ở đâu, tình trạng như thế nào.
“Trên hồ sơ vay vốn, có thể ngân hàng đã làm đúng thủ tục về tài sản thế chấp. Song thực chất, có thể tài sản không có hoặc không đúng với thực trạng kê khai để thế chấp”. Khi khách vay làm ăn tốt và hoàn trả nợ đúng hạn thì tài sản thế chấp chỉ là một phần thủ tục để giải ngân vốn vay. Ngược lại, trong trường hợp bị thua lỗ hoặc vỡ nợ, khách vay trở thành kẻ lừa đảo và ngân hàng vỡ lẽ ra thực trạng tài sản thế chấp đó. Trước đây, nhiều vụ việc từng xảy ra và được thỏa thuận giải quyết, đến gần đây, một số vụ việc phải đưa nhau ra tòa” - ông Đức phân tích.
Cần giám sát chặt lãi suất huy động
Bình luận về điều này, ông Trương Thanh Đức cho rằng, đây là sai phạm mà nhiều ngân hàng ở thời điểm đó có thể mắc phải trước sức ép thu hút tiền gửi từ thị trường, song đến nay, hành lang pháp lý đã được sửa đổi theo hướng hạn chế phát sinh những vụ việc như vậy, ngoại trừ vài trường hợp có thể vi phạm nhưng không căng thẳng như trước.
“Hiện nay, nhiều quy định đã phần nào dễ thở hơn với các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong huy động vốn vay, vẫn có thể còn hiện tượng mặc cả lãi suất vì người gửi tiền luôn tin là có thể có mức lãi suất cao hơn nếu gửi tiền giá trị lớn”, ông Đức nói.
Từ điểm hạn chế đó, vị luật sư này đề xuất nên chặt chẽ và nhất quán trong giám sát lãi suất huy động của các ngân hàng để tránh tình trạng lừa đảo khiến hoạt động của thị trường thiếu lành mạnh.
“Những bài học nói trên vẫn còn tính thời sự, ngân hàng vẫn phải đối mặt với rủi ro từ các sai sót như vậy hàng ngày. Đáng chú ý, với sự phát triển của nền kinh tế, các giao dịch ngân hàng ngày càng lớn, số lượng tổ chức tín dụng ngày càng tăng, các sai phạm ngày càng tinh vi và khó đối phó. Dẫu biết kinh doanh là rủi ro, ngành nào cũng vậy, song tổn thất đáng tiếc và lâu dài nhất với ngân hàng trong những vụ việc như trên chính là sa sút uy tín và niềm tin”, ông Đức chia sẻ.