Theo cáo trạng, ngày giữa tháng 9/2008, một cuộc gặp gỡ giữa chủ Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) Hà Văn Thắm với Chủ tịch PVN khi đó là ông Đinh La Thăng đã diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều lãnh đạo cấp cao của tập đoàn này. Sau "cú bắt tay" này, PVN đã đổ 800 tỷ đồng vào Oceanbank.
Dù cấp dưới báo cáo tình trạng của Oceanbank khi đó là ngân hàng nhỏ, khả năng thanh khoản thấp, đứng trước khó khăn trong huy động vốn, có nguy cơ lỗ, tiềm lực tài chính thấp…, song ông Thăng không tổ chức cuộc họp HĐQT, không lấy ý kiến các thành viên HĐQT mà ký thỏa thuận góp vốn luôn.
Số vốn 800 tỷ được PVN góp vào Oceanbank ba lần. Ở từng lần góp, ông Đinh La Thăng cùng các thuộc cấp đều bị cáo buộc có sai phạm.
Đồ họa: Vnexpress
Trong khi chưa có ý kiến của Thủ tướng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về việc góp vốn vào Oceanbank, ngày 1/10/2008 ông Đinh La Thăng ký Nghị quyết thống nhất chủ trương tham gia góp vốn mua cổ phần trong đợt phát hành tăng vốn điều lệ năm 2008 của Oceanbank từ 1.000 lên 2.000 tỷ đồng. Trong đó PVN góp 400 tỷ đồng nắm giữ 20% vốn điều lệ và cán bộ công nhân viên của PVN góp 200 tỷ đồng nắm giữ 10% vốn điều lệ của Oceanbank.
Ngày 14/10/2008, Bộ Tài chính có công văn gửi PVN "nhắc nhở" báo cáo rõ tình hình của Oceanbank trước khi góp vốn để tránh rủi ro, song tập đoàn này không thực hiện. Cuối tháng 12/2008, PVN vẫn rót 400 tỷ.
Đồ họa: Vnexpress
Hồ sơ vụ án thể hiện, đến ngày 7/10/2010, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi PVN trong đó truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng ‘nhắc nhở’ PVN cân đối vốn, nếu khó khăn thì không nhất thiết nắm giữ 20% vốn của Oceanbank, song ông Thăng cùng các lãnh đạo khác của PVN vẫn đồng ý tăng vốn. Số vốn PVN góp lần thứ hai là 300 tỷ.
Giữa năm 2011, Chủ tịch HĐQT Oceanbanh khi đó vẫn là ông Hà Văn Thắm lại đề nghị tăng vốn điều lệ của ngân hàng này và đòi PVN tiếp tục hỗ trợ tăng vốn góp. Số vốn lần thứ ba PVN góp vào Oceanbank là 100 tỷ, nâng tổng vốn của PVN tại Oceanbank lên thành 800 tỷ.
Tại thời điểm này, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã có hiệu lực) quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng...”.
Tới giữa năm 2015, khi Oceanbank làm ăn thua lỗ bị Ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng, hàng loạt lãnh đạo, nhân viên ngân hàng này vướng lao lý, PVN bị mất số vốn 800 tỷ.
Cáo trạng khẳng định PVN đã mất toàn bộ số vốn góp 800 tỷ đồng tại Oceanbank. PVN phải ghi nhận khoản lỗ tương đương 800 tỷ trên sổ sách kế toán, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước và của PVN.
Ông Thăng có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng
Sau khi PVN góp vốn và trở thành cổ đông chiến lược của Oceanbank, ông Thăng khi đó với vai trò là Chủ tịch HĐQT/HĐTV PVN còn ký văn bản mang tính chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị thành viên PVN và các nhà thầu dầu khí mở tài khoản, dử dụng dịch vụ ngân hàng của Oceanbank.
Kết luận điều tra thể hiện, thực hiện chỉ đạo của ông Thăng tại các văn bản nêu trên, trong thời gian từ 2009-2014 có 165 đơn vị thành viên thuộc PVN thực hiện việc gửi tiền vào Oceanbank, với doanh số tiền gửi không kỳ hạn (số dư trên tài khoản thanh toán) trung bình là 2.500 tỷ và 74 triệu USD mỗi tháng. Doanh số tiền gửi có kỳ hạn từ khoảng 16.000 đến khoảng 18.000 tỷ và 100 triệu USD.
Hồ sơ vụ án xác định đây chính là một trong những nguyên nhân để xảy ra hành vi nhận lãi suất ngoài hợp đồng của 145 đơn vị trong PVN với số tiền hơn 318 tỷ.
Sau khi ký các văn bản chỉ đạo, ông Thăng không yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện, cũng không có biện pháp kiểm tra, đánh giá, chấn chỉnh kịp thời. Việc này có dấu hiệu của động cơ cá nhân và là tình tiết tăng nặng của hành vi làm trái nêu trên.
Ông Đinh La Thăng ở phiên tòa hồi tháng 1/2018. Ảnh: TTXVN.
Sai phạm xảy ra trong giai đoạn ông Thăng giữ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí Việt Nam (2009-2011), trước khi làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải.
Ông Thăng bị cáo buộc liên quan tới cả hai vụ án xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), chỉ đạo sử dụng số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Phiên tòa thứ nhất mở đầu tháng 1/2018 với việc hầu tòa của ông Thăng, Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam PVC) và 20 đồng phạm.
Bản án sơ thẩm tuyên cuối tháng 1 thể hiện, PVN là chủ đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 với tổng vốn lên tới 1,7 tỷ USD. Mặc dù chưa ký hợp đồng EPC nhưng PVN đã ứng tiền cho công ty con là PVC.
PVC sau đó sử dụng hơn 1.000 tỷ sai mục đích khiến dự án bị chậm tiến độ. TAND Hà Nội tuyên phạt ông Thăng 13 năm tù về Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Thanh lĩnh án tù thân, những người còn lại từ 30 tháng tù treo đến 16 năm tù.
Đồ họa: Vnexpress
Cơ quan công tố kết luận ông Thăng giữ vai trò đứng đầu vụ án, có dấu hiệu "lợi ích nhóm". Song ông Thăng cho tới tận khi nói lời sau cùng vẫn khẳng định không tư lợi, mà chỉ do hoàn cảnh, sự nóng vội mới dẫn tới sai sót.
Phiên tòa xử vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại PVN khi đổ 800 tỷ vào Ocenbank tại TAND Hà Nội mở sẽ mở ngày 19/3 và dự kiến kéo dài hết ngày 29/3.
Bảy người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999), gồm: ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT PVN), Nguyễn Xuân Sơn (cựu phó tổng giám đốc PVN), Ninh Văn Quỳnh (cựu phó tổng giám đốc PVN), Nguyễn Xuân Thắng (63 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN), Nguyễn Thanh Liêm (63 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN), Vũ Khánh Trường (64 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN), Phan Đình Đức (58 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN).
Riêng ông Quỳnh thêm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (điều 280 Bộ luật Hình sự 1999)