Những chính sách, chỉ đạo nổi bật của Chính phủ tuần qua

Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy tại nơi có nguy cơ cháy cao; tăng cường quản lý bán hàng đa cấp..., là những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng nổi bật trong tuần này
Nhà của người dân miền Trung bị nước lũ nhấn chìm. Ảnh: Hoàng Táo
Nhà của người dân miền Trung bị nước lũ nhấn chìm. Ảnh: Hoàng Táo

Ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại miền Trung

Tại công điện 1925 về việc ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại miền Trung, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành, nhất là các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó theo cấp báo động với phương châm “bốn tại chỗ”.

Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia sẻ khó khăn với chính quyền và nhân dân các vùng bị ngập lũ; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành liên quan theo chức năng và nhiệm vụ được giao chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng giúp đỡ địa phương khi có yêu cầu, hỗ trợ địa phương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống và phục hồi sản xuất.

Phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy tại nơi có nguy cơ cháy cao

Vụ cháy quán karaoke số 68, phố Trần Thái Tông, Hà Nội. Ảnh: Bá Đô

Trong công điện về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương huy động lực lượng, phương tiện triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy tại nơi có nguy cơ cháy cao, như: Khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, nhà liền kề, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí…, nhất là thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán 2017.

Nơi nào, địa phương nào để xảy ra cháy phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thì thủ trưởng bộ, ngành, địa phương nơi đó chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và trước pháp luật.

Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công

Tại Chỉ thị số 31 về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì việc ban hành các quy định cụ thể về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng đối với tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Quy định trên phải được soạn thảo theo hướng hạn chế việc trang bị bằng hiện vật, chuyển dần sang cơ chế khoán có tính chất bắt buộc, thực hiện phương thức thuê dịch vụ và Nhà nước đặt hàng; xác định cụ thể từng đối tượng được trang bị tài sản; đồng thời xác định công năng sử dụng của tài sản để trang bị cho nhiều đối tượng dùng chung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tế ở từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, tránh lãng phí trong việc trang bị, mua sắm tài sản.

Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng việc sửa đổi đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ôtô phù hợp cho từng nhóm chức danh có tiêu chuẩn sử dụng và định mức xe ôtô phục vụ công tác chung; phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng từ 30% - 50% số lượng xe ô tô phục vụ đang được trang bị cho các bộ, ngành, địa phương, trừ các đơn vị thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.

Bộ Tài chính cũng được giao xác định lộ trình thực hiện chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ôtô áp dụng đối với chức danh thứ trưởng và tương đương, xe ôtô phục vụ công tác chung.

Tăng cường quản lý bán hàng đa cấp

Tại Chỉ thị 30 về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp không có cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có) về việc đáp ứng điều kiện kinh doanh các mặt hàng của doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thuộc thẩm quyền quản lý do pháp luật quy định. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, các hoạt động khuyến mại, quảng cáo, hội nghị, hội thảo, tuyên truyền về các sản phẩm được phép kinh doanh theo phương thức đa cấp thuộc phạm vi thẩm quyền do pháp luật quy định.

Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ quốc gia Việt Nam

Quyết định số 1981 của Chính phủ phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

Các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: Giáo dục mầm non (nhà trẻ và mẫu giáo); Giáo dục phổ thông (tiểu học, THCS, THPT); Giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng; Giáo dục đại học đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt khung trình độ quốc gia Việt Nam với cấu trúc gồm 8 bậc trình độ: Bậc 1, sơ cấp I; Bậc 2, sơ cấp II; Bậc 3, sơ cấp III; Bậc 4, trung cấp; Bậc 5, cao đẳng; Bậc 6, đại học; Bậc 7, thạc sĩ; Bậc 8, tiến sĩ.

Hết năm 2016 hoàn tất chi trả tiền bồi thường thiệt hại do Fomosa gây ra

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung do Fomosa gây ra, bảo đảm đúng đối tượng, sát thực tế, công khai, minh bạch, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm; phấn đấu hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho nhân dân trước khi kết thúc năm 2016. 

Tin cùng chuyên mục