Những công thức để Việt Nam tiến nhanh trong bối cảnh mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc làm thế nào để Việt Nam thu được lợi ích lớn hơn khi tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu đã được bàn đến nhiều trước đây, nhưng bối cảnh Covid-19 đặt ra yêu cầu phải hành động nhanh hơn, cách làm khác hơn. Nhiều công thức đã được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2020 (VRDF 2020) để doanh nghiệp Việt Nam không còn cảnh “thu tiền lẻ khi tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2020. Ảnh: Lê Tiên
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2020. Ảnh: Lê Tiên

Theo bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, năm 2018, Việt Nam chỉ tạo ra được 20,4 tỷ USD thông qua việc tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), xếp thứ 55/174 quốc gia, thấp hơn rất nhiều nước cùng khối ASEAN. Mức độ tham gia vào các công đoạn tinh vi, phức tạp của Việt Nam còn thấp.

Còn theo ông Jacques Morriset, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới về thương mại, gấp 1,5 lần Thái Lan và 5 lần Trung Quốc. Các GVC chiếm 66% giao dịch thương mại. Tuy nhiên mức độ nội địa hóa thấp và có xu hướng giảm dần theo thời gian, thấp hơn 2 lần so với Trung Quốc. Việt Nam đang tập trung quá mức vào một số thị trường, sản phẩm, doanh nghiệp, khi mà 4 sản phẩm hàng đầu (dệt may, điện tử, hóa chất, kim loại) chiếm 2/3 kim ngạch thương mại trong GVC; 4 thị trường lớn nhất (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ) chiếm 60% kim ngạch thương mại trong GVC và 4 tập đoàn hàng đầu (Samsung, Foxcom, Intel, Panasonic) chiếm 70% kim ngạch thương mại trong GVC mà Việt Nam tham gia.

Bà Kwakwa cho rằng, tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào GVC sẽ là tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy năng suất và tăng trưởng.

Theo bà Kwakwa, đại dịch Covid-19 dự kiến sẽ có tác động lâu dài đến nền kinh tế toàn cầu, để lại những vết sẹo lâu dài. Tuy nhiên, đại dịch có thể mang đến cơ hội và các quốc gia sẽ cần tính đến điều này khi xây dựng chiến lược phát triển của mình. Các công ty đa quốc gia sẽ đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hình thành các liên minh kinh tế mới. Các quốc gia có môi trường kinh doanh và quản trị vững chắc hoặc đang được cải thiện một cách đáng tin cậy có thể có cơ hội tăng cường sự tham gia vào các GVC. Việt Nam cần chuẩn bị cho sự dịch chuyển tương lai trong các GVC và giảm tác động tiêu cực tiềm ẩn của việc ứng dụng công nghệ đối với thị trường lao động.

Bà Kwakwa chỉ ra công thức bánh trung thu (P.I.E) cho thành công. Trong đó P là chữ viết tắt của khu vực tư nhân (Private sector), một khu vực sôi động, sáng tạo có mối liên kết chặt chẽ với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). I là chữ viết tắt của thể chế tốt (Institution) và E là chữ viết tắt của giáo dục có chất lượng (Education).

Ông Jacques Morriset khuyến nghị, Việt Nam muốn tham gia sâu vào chuỗi giá trị thì cần tập trung vào 5 ưu tiên dài hạn, gồm: lao động có kỹ năng, hạ tầng kết nối, phát triển công nghệ mới, mở cửa dịch vụ, các hoạt động phát triển sạch và nâng cao sức chống chịu. Việt Nam cần dịch chuyển theo hướng có các sản phẩm phức tạp hơn, có hàm lượng dịch vụ và nội địa hóa cao hơn. “Thời gian cũng là một thách thức lớn, Covid-19 đặt ra yêu cầu Việt Nam phải thực hiện các cải cách nhanh chóng hơn”, chuyên gia của WB nhấn mạnh.

Ở góc độ khác, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam cho rằng, không chỉ các hành động cần thiết từ Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần thay đổi tư duy, chủ động đón bắt cơ hội. Để vượt qua tác động từ Covid-19 và nắm bắt cơ hội, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần kiên tâm, bền bỉ chèo lái, đưa doanh nghiệp vươn mình trỗi dậy.

Việt Nam cần có tư duy đột phá, quyết tâm và táo bạo, dám nghĩ, dám làm

Với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP, Việt Nam đang có cơ hội lớn để hội nhập, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất thế giới, lựa chọn các dự án FDI có chất lượng để tiến lên các nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).

Cơ hội cần hiểu rộng hơn, đó có thể do tự nhiên đến và do chính chúng ta tạo ra, vấn đề là có nắm bắt và hiện thực hóa được cơ hội hay không?

Cơ hội từ Covid-19 không chỉ là thị trường, chuyển dịch đầu tư... mà quan trọng hơn còn là cơ hội cho việc đẩy nhanh cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam theo hướng bền vững, bao trùm, kinh tế xanh… Các cải cách đã được Việt Nam thực hiện trong nhiều năm qua, nhưng Covid-19 tạo ra áp lực để Việt Nam cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả hơn. Thời gian vừa là vàng vừa là kẻ thù. Nhận diện được rồi phải hành động nhanh, nếu không cơ hội sẽ vụt mất.

Việt Nam cần có tư duy đột phá, quyết tâm và táo bạo, dám nghĩ, dám làm; phải có tư duy vượt lên trước chứ nhất quyết không chịu đi theo, đi sau. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể nắm chặt lấy các cơ hội, bắt kịp, tiến cùng sự phát triển của thế giới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng