Chuyện giám đốc hờ phải ra trước vành móng ngựa không phải hiếm |
Nhưng đáng ngạc nhiên là nhiều người, đã thành niên, có bằng cấp, kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp, vẫn vin vào hai chữ “không biết” khi bị cáo buộc trách nhiệm hình sự.
Gần đây nhất, phiên tòa xét xử đại án OceanBank ghi nhận có ít nhất 3 giám đốc hờ bao gồm bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ, bị cáo Trần Văn Bình, bị cáo Phạm Hoàng Giang. Bị cáo Trần Văn Bình là một nhân viên lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh và được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Công ty Trung Dung, do bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh thành lập. Khi ông Danh bị truy tố, xét xử vì những hành vi vi phạm pháp luật, ông Trần Văn Bình cũng bị liên đới. Thậm chí, ông Bình đã nhiều lần phải ra tòa và lĩnh hơn một bản án chỉ vì đứng tên giám đốc. Cái giá cho một khoản tiền lương “từ trên trời rơi xuống” là mức án tù giam hết sức nặng nề.
Nếu như ông Bình chỉ là một nhân viên lao động bình thường thì bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ (còn gọi là Quỳnh Tứ) đã tốt nghiệp Đại học Sân khấu điện ảnh, từng đóng nhiều bộ phim, được tuyển vào làm nhân viên hành chính tại Văn phòng HĐQT OceanBank.
Bị cáo Tứ được Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank nhờ đứng tên Chủ tịch HĐQT Công ty BSC. Công ty BSC do ông Thắm thành lập và sử dụng để thu phí của khách hàng vay vốn và mua ngoại tệ tại OceanBank. Hoàng Thị Hồng Tứ đã ký 97 "hợp đồng dịch vụ" để BSC "thu phí" của khách hàng hàng chục tỷ đồng. Tại phiên tòa, nữ diễn viên này nhiều lần bật khóc và lặp lại điệp khúc “không biết”, không nhận lương từ BSC, không biết trụ sở Công ty ở đâu, không biết Công ty có hoạt động gì không, cũng không biết Công ty có bao nhiêu nhân viên… Dù “không biết” nhưng bị cáo này vẫn bị đề nghị mức án từ 30 - 36 tháng tù giam.
So với nữ diễn viên Quỳnh Tứ, Phạm Hoàng Giang từng là Trưởng ban Pháp chế của OceanBank, là một tiến sỹ, luật sư, là người rất am hiểu pháp luật. Ông Giang bị cáo buộc đã đứng tên Giám đốc Công ty BSC. Ông Giang đã ký 721 hợp đồng dịch vụ khống, thu gần 69 tỷ đồng để Hà Văn Thắm chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) sử dụng. Mức lương mà ông Giang nhận được cho vị trí Giám đốc này là 10 triệu đồng/tháng. Đổi lại là mức án đề nghị 8 - 9 năm tù giam về tội tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt với vai trò là đồng phạm.
Phạm Hoàng Giang đã giải trình rằng đã làm đúng với vị trí giám đốc, ký các hợp đồng khi đã có chữ ký khách hàng... Tuy nhiên, cơ quan công tố chỉ ra rằng dù hình thức hợp đồng đầy đủ nhưng thực tế Công ty BSC không hề tư vấn cho khách hàng, không có biên bản thanh lý hợp đồng. Và điều này chỉ có thể giải thích rằng đây là hợp đồng khống. Tại phiên tòa, bị cáo Giang đã không nén nổi nước mắt, trần tình về hoàn cảnh mẹ già ung thư, con nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh, bị bệnh mắt... Mặc dù còn phải chờ phán quyết của toà án nhưng 16 tháng tạm giam đã là giá quá đắt cho một luật sư.
Chuyện giám đốc hờ phải ra trước vành móng ngựa thật ra không chỉ xảy ra ở các đại án. Ngay như vụ án sàn vàng Khải Thái, giám đốc của công ty này khai rằng chỉ là giám đốc trên danh nghĩa, không có bàn làm việc, nhân viên gọi đến thì đến. Và đến chỉ để ký hợp thức hóa các giấy tờ. Bù lại, bị cáo này được nhận mức lương 25 triệu đồng/tháng, mức thu nhập khá tốt vào thời điểm 2012 - 2014. Hậu quả là vị giám đốc hờ này bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khung hình phạt 12 - 20 năm tù giam hoặc tù chung thân.
Trong nhiều vụ án kinh tế, thủ đoạn phổ biến là thành lập các pháp nhân khác nhau, nhờ người đứng tên làm đại diện theo pháp luật. Những vị giám đốc “hờ” này có thể là người thân, người quen và được trả một mức thù lao tàm tạm chỉ để ký hợp thức hóa các giấy tờ. Nhưng đổi lại luôn là nguy cơ đối mặt với trách nhiệm hình sự khi có thiệt hại xảy ra.